Tăng liên kết vùng từ phát triển dịch vụ logistics ở Hải Phòng

Để phát triển dịch vụ logistics tại Hải Phòng, tới đây Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ Hải Phòng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối thị trường logistics...

Hội nghị"Phát triển dịch vụ logistics tại Hải Phòng - nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh liên kết vùng". Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Hội nghị"Phát triển dịch vụ logistics tại Hải Phòng - nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh liên kết vùng". Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Sáng ngày 12/7, tại thành phố Hải Phòng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đồng chủ trì hội nghị: "Phát triển dịch vụ logistics tại Hải Phòng - nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh liên kết vùng".
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), logistics là ngành đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và là một ngành dịch vụ có nhiều tiềm năng đem lại giá trị gia tăng cao.
Tuy nhiên, ông Trần Thanh Hải cho rằng, ngành này còn có hạn chế như: tính chuyên nghiệp và hiệu quả còn thấp. Việc kết nối của hạ tầng logistics còn kém, đặc biệt không khai thác được đường sắt vào các cảng và khu công nghiệp. Quy hoạch hạ tầng logistics chưa đồng bộ với quy hoạch sản xuất, thương mại, nhiều chỗ manh mún và ứng dụng công nghệ thông tin chưa nhiều...

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Ông Trần Thanh Hải cho biết, để phát triển dịch vụ logistics tại Hải Phòng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh liên kết vùng, tới đây Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ Hải Phòng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối thị trường logistics; phát triển mô hình logistics cho thương mại điện tử; cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp logistics...
Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Minh- Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, cần phát triển Hải Phòng thành trung tâm logistics vùng phía Bắc và cả nước phục vụ vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Cùng đó, kết nối với vùng phía nam của Trung Quốc bằng cách xây dựng một cơ chế, chính sách đặc thù theo hướng khuyến khích hỗ trợ hoạt động như: giải phóng mặt bằng, miễn, giảm giá thuê đất đối với các dự án đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, giảm thuế nhập khẩu trang thiết bị máy móc phục vụ hoạt động tại trung tâm logistics mà trong nước chưa sản xuất được...
Đại diện Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã đề xuất, cần phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; tập trung đầu tư hoàn thiện một số ICD, cảng cạn theo quy hoạch; kết nối dữ liệu điện tử giữa các cơ quan quản lý nhà nước - cảng ICD - hãng tàu - chủ hàng; tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng, bến cảng Lạch Huyện.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh liên kết vùng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị thành phố Hải Phòng tập trung chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan để triển khai các giải pháp trong thời gian tới. Theo đó, thành phố Hải Phòng ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 708/QĐ-TTg ngày 26/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt Kế hoạch cải thiện chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam...

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Bên cạnh đó, quan tâm hơn nữa trong việc phát huy tối đa lợi thế về kinh tế, công nghiệp dịch vụ và liên kết vùng, kết hợp thu hút đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ logistics nhằm giảm thiểu thời gian và chi phí logistics cho các doanh nghiệp.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Hải Phòng cần được coi là trọng tâm để phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt và đường biển nhằm đẩy mạnh liên kết vùng trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, các địa phương ven biển Đông Bắc, hai hành lang kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Mặt khác, đảm bảo việc phát triển tận dụng tối đa lợi thế sẵn có của địa phương và phát huy được các lợi thế về các trung tâm logistics gắn với hệ thống cảng biển, cảng hàng không, đường thủy nội địa và các tuyến cao tốc. Đặc biệt, tập trung ứng dụng trình độ khoa học công nghệ tiên tiến để tiếp tục phát triển và nâng cấp cơ sở hạ tầng của các cảng trong hệ thống cảng biển khu vực Hải Phòng...
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, tới đây các cơ quan chức năng cần khơi thông, phát triển thị trường cho logistics, tạo điều kiện để doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam nhanh chóng vươn lên, bắt kịp trình độ phát triển của thế giới. Hơn nữa, tập trung đầu tư, hỗ trợ một số trường đại học, cao đẳng và trung cấp nghề tại Hải Phòng nâng cao chất lượng đào tạo trình độ chuyên môn chuyên ngành logistics trong lý thuyết và thực tế. Đáng lưu ý, cần cải cách hành chính, cắt bỏ hoặc đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến logistics, đặc biệt là đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu ở các cấp, các ngành và doanh nghiệp.

Ký kết các thỏa thuận về logistics giữa các doanh nghiệp. Ảnh Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Ngoài ra, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Hải quan phối hợp chặt chẽ với thành phố để giải quyết những điểm nghẽn trong logistics. Cụ thể là sớm lập quy hoạch kết nối đường sắt đến các bến cảng, triển khai mạnh mẽ Cơ chế Một cửa Quốc gia; cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành, bãi bỏ và đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, hỗ trợ xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường cho doanh nghiệp dịch vụ logistics, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp dịch vụ logistics với chủ hàng. Đặc biệt, cần tạo sự liên kết ngang giữa Hải Phòng với các địa phương, đẩy mạnh liên kết vùng...
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã chứng kiến Lễ ký kết các thỏa thuận về logistics giữa các doanh nghiệp./.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/tang-lien-ket-vung-tu-phat-trien-dich-vu-logistics-o-hai-phong/127877.html