Tăng là chốt, áp lực bán lại xuất hiện

Hai nhịp nỗ lực tăng sáng nay đều kết thúc bằng nhịp giảm. VN-Index chốt phiên sáng đã giảm 1,24 điểm tương đương -0,12%. Quan trọng nhất là độ rộng xấu đi theo thời gian và bên bán càng lúc càng áp đảo. Cổ phiếu diễn biến đảo chiều từ tăng thành giảm, phản ánh áp lực bán tranh thủ lúc giá tốt...

Thanh khoản sản HoSE sáng nay tăng 20% so với sáng hôm qua, nhưng áp lực bán mạnh thấy rõ ở các cổ phiếu giao dịch lớn nhất.

Thanh khoản sản HoSE sáng nay tăng 20% so với sáng hôm qua, nhưng áp lực bán mạnh thấy rõ ở các cổ phiếu giao dịch lớn nhất.

Hai nhịp nỗ lực tăng sáng nay đều kết thúc bằng nhịp giảm. VN-Index chốt phiên sáng đã giảm 1,24 điểm tương đương -0,12%. Quan trọng nhất là độ rộng xấu đi theo thời gian và bên bán càng lúc càng áp đảo. Cổ phiếu diễn biến đảo chiều từ tăng thành giảm, phản ánh áp lực bán tranh thủ lúc giá tốt.

Hai đỉnh tăng cao nhất của chỉ số là vài phút ngay khi mở phiên và đỉnh thứ hai lúc 10h20. Mức tăng cao nhất khoảng 0,42% so với tham chiếu. Ở đỉnh cao độ rộng của VN-Index rất tốt với 217 mã tăng/97 mã giảm. Tuy nhiên kết phiên chỉ còn 117 mã tăng/222 mã giảm.

Loạt cổ phiếu đảo chiều với biên độ khác nhau, nhưng thống kê trên HoSE, khoảng 61% số mã có phát sinh giao dịch sáng nay đã đảo chiều giảm với biên độ từ 1% trở lên so với mức đỉnh. Nhiều mã xác nhận lực xả cực mạnh. Ví dụ DIG tụt khoảng 6,82% so với giá cao nhất và tạm chốt dưới tham chiếu 5,75%, thanh khoản tới gần 320 tỷ đồng cao nhất thị trường. DXG cũng đảo chiều với biên độ -4,35% so với đỉnh và đang giảm 3,65% so với tham chiếu, thanh khoản 149,2 tỷ đồng. Loạt mã bất động sản thanh khoản lớn và đảo chiều 3-4% chỉ trong buổi sáng có thể điểm ra như KBC, NLG, NBB, CII, LDG, DXS...

Hiện tượng đảo chiều cũng rất rõ ở nhóm blue-chips, khi ban đầu tất cả cổ phiếu trong rổ đều tăng, duy nhất PDR giá vàng. Nhưng đến hết phiên sáng, 17 cổ phiếu đã đảo chiều rớt qua tham chiếu, chỉ còn 9 mã xanh. GVR, NVL, SSI, TCB, TPB, PDR là các mã trong rổ này bị “đánh sập” hơn 2% so với mức đỉnh, một biên độ đảo chiều rất rộng.

Vn-Index tạo 2 đỉnh cao sáng nay nhưng độ rộng co hẹp lại nhanh chóng.

Hiện HoSE đang có 117 cổ phiếu đi ngược dòng, trong đó 40 mã tăng hơn 1%. Phần lớn số này cũng đã bị ép giá xuống ở mức độ khác nhau nhưng vẫn chưa tới mức chạm tham chiếu. Giao dịch sôi động có thể kể tới EIB tăng 3,32% với thanh khoản 93,5 tỷ; VHC tăng 3,21% với 38,2 tỷ; PAN tăng 3,1% với 45,5 tỷ; CTF tăng 2,99% với 41 tỷ; ANV tăng 2,78% với 49,8 tỷ; LPB tăng 2,37% với 165,1 tỷ; MSB tăng 2,01% với 51,9 tỷ...

Thanh khoản ở nhóm đang tăng trên 1% chiếm khoảng 17,3% tổng khớp sàn HoSE và tổng thanh khoản nhóm tăng chiếm gần 30%. Ngược lại, nhóm giảm giá đang có 105 mã giảm trên 1% và thanh khoản nhóm này chiếm tới 37% sàn. Tổng thanh khoản nhóm giảm chiếm 63%. Như vậy mức gia tăng thanh khoản sáng nay có yếu tố tăng bán rõ rệt, khi giá bị ép dần xuống đồng thời giao dịch tập trung cao ở nhóm cổ phiếu giảm giá.

Việc VN-Index mất ít điểm lúc này không thật sự quan trọng bằng độ rộng thị trường cũng như biên độ của cổ phiếu. Chiều tăng vừa qua chỉ số bị kiềm chế bẳng trụ và lúc này các trụ cũng giằng co mạnh: VHM tăng 0,99%, VCB tăng 0,68%, VIC tăng 0,57% tuy không mạnh nhưng lại có lợi thế vốn hóa vượt trội. Vấn đề là chỉ số không quan trọng đối với danh mục. Với biên độ dao động giảm của giá trong phiên rộng như sáng nay, nhiều cổ phiếu đã tạo bulltrap khá bất lợi.

Nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang bán ròng khoảng 173,3 tỷ đồng trên HoSE, chủ yếu do mua quá ít. Tổng mức giải ngân mới đạt 234,6 tỷ đồng trong khi bán ra 407,9 tỷ. STB đang bị xả lớn nhất -27,7 tỷ, LIX -24,5 tỷ, VNM -21,7 tỷ, VND -18,7 tỷ, SSI -14,6 tỷ. Phía mua có PNJ +13,1 tỷ, VRE +11,4 tỷ.

Giao dịch của khối ngoại ngày càng nhỏ lại và vị thế bán ròng không thật sự ảnh hưởng lớn. Lúc này nhà đầu tư trong nước giao dịch lướt sóng nhiều và đây mới là yếu tố làm thay đổi cung cầu.

Kim Phong

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tang-la-chot-ap-luc-ban-lai-xuat-hien.htm