Tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Từ nhiều năm nay, vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) còn nhiều khó khăn khi có rất ít doanh nghiệp (DN) tiếp cận được nguồn chính thức từ ngân hàng. Một thống kê cho thấy, dù DNNVV chiếm hơn 90% số các DN đang hoạt động nhưng chỉ khoảng hơn 30% các DNNVV tiếp cận được nguồn vốn chính thức từ các ngân hàng, còn lại phải tiếp cận nguồn vốn phi chính thức mà trong đó có nhiều khoản đến từ tín dụng đen với lãi suất rất cao.

Khách hàng giao dịch tại LienVietPostBank. Ảnh: V.Phong

Khách hàng giao dịch tại LienVietPostBank. Ảnh: V.Phong

DN nhỏ thiếu vốn

Theo Giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị và hóa chất Thăng Long Lê Xuân Tưởng, đối với DNNVV, cái cần đầu tiên là vốn. Có tới 80% số DN phá sản do thiếu vốn, mà khi đã thiếu vốn thì lãi suất không phải vấn đề lớn nhất. “Thời gian đầu khởi nghiệp tôi vay đến 500 triệu đồng với lãi suất rất cao để có vốn, cho nên tôi biết DN mới thành lập thật sự rất cần vốn. Hiện nay, nguồn vốn của công ty hoàn toàn vay ngân hàng, không phải tìm đến tín dụng đen, nhưng thực tế đến thời điểm hiện tại, khả năng tiếp cận vốn của các DNNVV vẫn khó, có thủ tục cần đến một, hai tuần mới xong. Do đó, tôi mong muốn DN có thêm sự hỗ trợ để tiếp cận vốn nhanh hơn nữa”, ông Tưởng cho biết.

Cùng với vấn đề thủ tục, một khó khăn nữa mà DNNVV gặp phải là khi cấp tín dụng, các ngân hàng yêu cầu phải có tài sản bảo đảm (TSBÐ) là nhà đất, tài sản cố định có giá trị cao. Tuy nhiên, tài sản bị định giá ở mức độ thấp so với giá trị thị trường (từ 20 đến 25%) và cho vay với tỷ lệ 70% khiến DN không có đủ tài sản tích lũy để thế chấp. “Khó khăn chung của các DNNVV là không có nhiều TSBÐ để đi vay. Ðiều này khiến công ty dù ký nhiều hợp đồng, nhưng không có tiền để thu mua nguyên liệu giao hàng kịp thời”, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Tuấn Minh Lê Thị Mai cho biết.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, hiện nay, hầu hết DN tư nhân có quy mô nhỏ và vừa rất cần vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Nhưng thực tế khả năng tài chính của các DN này bị hạn chế. “DNNVV không có TSBÐ hợp pháp hoặc không đủ uy tín để vay tín chấp, không có khả năng xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, dự án khả thi,… để các ngân hàng thương mại (NHTM) xem xét cho vay. Trong khi đó, các ngân hàng tư duy về tính an toàn cao. Vì vậy làm sao để ngân hàng và DN gặp nhau, theo tôi ngoài nỗ lực của DN thì các NHTM cũng cần có chính sách cụ thể hơn để nguồn vốn đến gần hơn với các DNNVV; cần chọn lọc DN có tiềm năng để thiết kế lại điều kiện cho vay, đồng thời cũng chia sẻ một phần rủi ro với DN”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thân nhấn mạnh.

Tìm điểm kết nối chung

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tính đến ngày 29-3, dư nợ tín dụng nền kinh tế tăng 3,19% so với cuối năm 2018, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 (3,29%). Nguồn vốn tín dụng được đẩy mạnh tập trung các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, trong đó, tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 3,63%, tín dụng đối với DN ứng dụng công nghệ cao tăng 7,25%, tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 3,5%. Trong khi tín dụng chảy vào các ngành, lĩnh vực tăng khá thì tín dụng riêng cho nhóm DNNVV lại tăng chậm. Cụ thể, trong hai tháng đầu năm nay, tín dụng cho nhóm DNNVV giảm nhẹ so với năm 2018, với mức giảm 0,04%, dự kiến hết quý I-2019 tăng khoảng 1%, tương đương cùng kỳ năm 2018.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Trần Văn Tần, lý do tín dụng tăng thấp là bởi quý I vừa qua có Tết dương lịch, Tết âm lịch, các DN tăng cường tiêu thụ, thu tiền về trả nợ ngân hàng và ít vay hơn. Hơn nữa, thường là ở quý I, tăng trưởng tín dụng sẽ thấp hơn chút ít, và quý II sẽ tăng trở lại sau đó tăng tốc trong quý III và quý IV, không có gì bất thường so với mọi năm.

Cũng chia sẻ với những khó khăn của DN, song theo đại diện lãnh đạo Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), thực trạng hệ thống báo cáo tài chính của các DNNVV, siêu nhỏ chưa chuẩn chỉnh, chưa đầy đủ thông tin hoặc chưa chính xác, gây khó cho ngân hàng khi thẩm định thông tin. “Ngoại trừ những DN đã đạt mức tín nhiệm cao có thể vay tín chấp, thì phần lớn DN không đủ TSBÐ đáp ứng tiêu chí thanh khoản và giá trị bảo đảm tốt theo quy định. Phía ngân hàng sẽ gặp rủi ro lớn khi cho vay đối tượng khách hàng DN phân khúc này. Ðối với các DN siêu nhỏ do buôn bán nhỏ lẻ và chưa thật sự bài bản trong việc quản lý tài chính cho nên ngân hàng khó quản lý dòng tiền để thu hồi nợ”, đại diện LienVietPost Bank cho biết.

Vì vậy, nhằm thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ, NHNN về đẩy mạnh cho vay các lĩnh vực ưu tiên, nhất là cho vay DNNVV, đại diện lãnh đạo các NHTM cũng kiến nghị: Các DN cần phải nâng cao tính minh bạch trong kinh doanh, điều hành; cần áp dụng các hệ thống quản trị nội bộ để đáp ứng yêu cầu về điều kiện cho vay;… Mặt khác, về phía các NHTM, định hướng của Chính phủ và NHNN là yêu cầu cắt giảm thủ tục cho khách hàng nhưng Quy chế cho vay của NHNN quy định còn khá chặt chẽ, chưa linh hoạt về hồ sơ cấp tín dụng đối với các trường hợp rủi ro thấp khiến ngân hàng khó khăn trong việc cắt giảm hồ sơ thủ tục cho khách hàng. “Do đó, để tăng hiệu quả của chính sách cho vay đối tượng ưu tiên, NHNN cần nghiên cứu có giải pháp như tái cấp vốn, cấp bù lãi suất, có cơ chế xác định nhóm nợ và cơ chế trích lập dự phòng, xử lý rủi ro riêng… NHNN cũng cần nghiên cứu, rà soát quy định cho vay về hồ sơ cho vay đối với trường hợp tháo gỡ bảo đảm 100% bằng tiền gửi, nhằm cắt giảm hồ sơ, thủ tục cho khách hàng DN”, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Quách Hùng Hiệp đề nghị.

Ðể tiếp cận vốn dễ dàng hơn, theo tôi, DN phải minh bạch hơn; đồng thời hệ thống quản lý thông tin của ngân hàng nên được quản lý tốt hơn. Bởi việc đưa ra quyết định, giải quyết nhu cầu khách hàng lại phụ thuộc vào một nhân viên ngân hàng nhưng vị trí đó lại thường được thay đổi. Vì thế, ngân hàng nên có những biện pháp quản trị thông tin hiệu quả và thống nhất hơn. Cùng với đó, là chính sách cho vay của ngân hàng nên ổn định và mang tính dài hạn, không nên thay đổi, biến động theo thời gian hay sự kiện nào đó. Chính điều này đã cản trở các DN khi đi vay vốn.

Ðinh Vân Trang

Phó Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và thương mại Khang Nguyên

Nhóm khách hàng DNNVV còn đang chiếm tỷ trọng khá thấp trong cơ sở khách hàng của ABBank, ở mức khoảng 19%. Tuy nhiên, chúng tôi đang tiến tới áp dụng Basel II, tiến tới kinh doanh hiện đại,… và nhiều giải pháp khác để giúp các DNNVV tiếp cận nguồn vốn dễ hơn. Trên thực tế, việc tiếp cận vốn của các DNNVV liên quan tới thực lực của các DN. Khách hàng tốt thì các ngân hàng tranh nhau. Nhưng DN mà yếu một chút, thì chương trình nào cũng không đạt, đây mới là vấn đề. Cho nên quan trọng nhất vẫn là nội lực của DN.

Phạm Duy Hiếu

Quyền Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank)

HỒNG ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/39935002-tang-kha-nang-tiep-can-von-cho-doanh-nghiep-nho-va-vua.html