Tăng kết nối, tạo đầu ra ổn định cho nông sản địa phương

Thời gian qua, huyện Hậu Lộc luôn tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp, HTX thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông sản. Từ đó, từng bước chuyển dịch từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao năng suất và thu nhập cho nông dân.

Mô hình trồng ngô liên kết của thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Liên Lộc (Hậu Lộc) cho hiệu quả kinh tế khá.

Mô hình trồng ngô liên kết của thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Liên Lộc (Hậu Lộc) cho hiệu quả kinh tế khá.

HTX dịch vụ nông nghiệp xã Liên Lộc (Hậu Lộc) có diện tích đất nông nghiệp hơn 250 ha. Để xây dựng HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị phát triển bền vững, HTX đã triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy liên kết với các doanh nghiệp, qua đó giúp các thành viên tiêu thụ sản phẩm. Cùng với sản xuất lúa, HTX khuyến khích bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng có năng suất, chất lượng và giá trị cao, như ớt, ngô ngọt xuất khẩu, khoai tây, đậu tương rau... Trước khi vào vụ sản xuất, HTX đều tìm kiếm các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm và khảo sát, tính toán nhu cầu thực tế của thị trường. Trên cơ sở đó, HTX họp với các hộ dân để thống nhất quy mô, diện tích và thời điểm xuống giống của các loại cây trồng để tránh trường hợp thu hoạch một loại nông sản quá nhiều vào cùng một thời điểm. Các thành viên đều được tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất rau an toàn, từ khâu làm đất, chọn giống, chăm sóc đến khâu thu hoạch. Nhờ quy hoạch gọn vùng và ký hợp đồng với các doanh nghiệp, cơ sở thu mua nên hoạt động của HTX được đánh giá hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các thành viên. Ước doanh thu bình quân hàng năm từ các hoạt động của HTX đạt hơn 5 tỷ đồng. Hiện nay, HTX đã ký hợp đồng với Công ty Long Phương Nam, Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tỉnh Ninh Bình thu mua ớt, ngô ngọt, khoai tây, đậu tương rau cho người dân quy mô 90 ha/vụ. Khi tham gia liên kết, các công ty đã cung ứng toàn bộ vật tư đầu vào và thu mua toàn bộ sản phẩm đầu ra cho thành viên HTX. Thành viên HTX đã áp dụng đúng quy trình, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất các loại cây rau màu xuất khẩu của doanh nghiệp nên chi phí thấp hơn. Năng suất cuối vụ cao hơn và giá trị sản xuất đã tăng từ 1,5 - 1,8 lần so với cách làm thông thường, không ký kết bao tiêu sản phẩm như trước kia.

Xác định việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp, HTX và người dân là giải pháp để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, huyện Hậu Lộc đã tập trung huy động các nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất. Cụ thể là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, như công nghệ tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt có hệ thống điều khiển bán tự động, sản xuất theo quy trình VietGAP. Sử dụng các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, có khả năng kháng bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Huyện cũng tích cực vận động, hướng dẫn người dân ở các địa phương thực hiện tích tụ, tập trung đất đai; hướng tới hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; liên kết sản xuất, bao tiêu các sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của huyện. Hiện nay, các HTX dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn huyện đã chủ động, tích cực đấu mối với các doanh nghiệp ký hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm các loại cây hàng hóa, như khoai tây, ớt, dưa... Các hợp đồng, thanh lý hợp đồng thu mua sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp được ký giữa nông dân, HTX, tổ hợp tác với doanh nghiệp, thời gian thực hiện hợp đồng ổn định từ 2 năm trở lên. Đến nay, trên địa bàn huyện đã phát triển được 4 chuỗi, với 7 sản phẩm chủ lực, liên kết sản xuất khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm cho giá trị kinh tế cao, gồm chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo tại các xã Thành Lộc, Tiến Lộc; chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ rau màu hàng hóa (ớt xuất khẩu, ngô ngọt, khoai tây, cải bó xôi, đậu tương rau) ở các xã vùng tây kênh De; chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ ngao thịt tại các xã ven biển... Riêng vụ xuân 2022, trên địa bàn huyện, diện tích các loại cây trồng thực hiện liên kết và bao tiêu sản phẩm đạt 521 ha; trong đó, các loại cây rau màu là 355 ha, cây lúa thương phẩm là 166 ha. Các doanh nghiệp đang thực hiện việc liên kết, thu mua nông sản cho người dân, như: Công ty TNHH Giống cây trồng Bắc Trung Bộ, Công ty CP Thương mại Sao Khuê, Công ty TNHH An Thành Phong... Nhìn chung, các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản đã bảo đảm cho hoạt động sản xuất, chế biến ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân sản xuất nông nghiệp tại các xã. Đồng thời, giúp ổn định giá cả thị trường, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, thực hiện tiêu thụ sản phẩm cho người sản xuất theo chuỗi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản đang được các địa phương quan tâm thực hiện giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thuận lợi đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tạo vùng nguyên liệu và ổn định đầu ra cho sản phẩm. Từ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với HTX, doanh nghiệp đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Thời gian tới, huyện Hậu Lộc tiếp tục tận dụng các thế mạnh về đất đai, nguồn lao động, chỉ đạo ngành nông nghiệp, các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân phối hợp các HTX thực hiện tốt các chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm.

Bài và ảnh: Lương Khánh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/tang-ket-noi-tao-dau-ra-on-dinh-cho-nong-san-dia-phuong/168615.htm