Tăng huyết áp: Bệnh lý khó được phát hiện

Mới đây, Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận nhiều trường hợp mắc các bệnh lý tim mạch nguy hiểm kèm theo tăng huyết áp.

ThS Khổng Tiến Bình. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

ThS Khổng Tiến Bình. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Ông N.V.X (68 tuổi, Vĩnh Phúc) đi khám chuyên khoa tiêu hóa vì cảm thấy đau bụng quanh rốn. Người bệnh được các bác sĩ tiến hành thăm khám, thực hiện chỉ định cận lâm sàng và phát hiện bị phình hình thoi động mạch chủ bụng dưới thận.

ThS Khổng Tiến Bình - Trưởng khoa Nội, Can thiệp Tim mạch – Hô hấp, Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, người bệnh được chẩn đoán phình động mạch khi có sự phình khu trú động mạch với đường kính ngang lớn hơn 1,5 lần kích thước động mạch bình thường. Phình động mạch chủ dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như: Phình tách hoặc vỡ động mạch. Đa số các trường hợp phình đồng mạch chủ là do tăng huyết áp. Vì vậy, đối với người phình động mạch chủ, kiểm soát huyết áp là điều vô cùng quan trọng để không gặp phải những biến chứng nguy hiểm.

Tuy nhiên, ông X không tin mình bị tăng huyết áp bởi người bệnh cho biết, ở nhà có đo huyết áp nhưng không phát hiện được.

Ngay khi nhập viện, chỉ số huyết áp đo được trung bình sau ba lần của người bệnh là 150/90mmHg. Ông X được đo huyết áp thường xuyên và ghi holter huyết áp để loại trừ người bệnh tăng huyết áp do tâm lý khi tiếp xúc với nhân viên y tế (tăng huyết áp áo choàng trắng) và kết quả ông bị tăng huyết áp độ II. Bên cạnh bệnh phình động mạch chủ bụng, ông X được chẩn đoán giãn động mạch chủ ngực – một hậu quả khác do tăng huyết áp.

ThS Khổng Tiến Bình cho biết thêm, lóc tách động mạch chủ ngực là bệnh lý vô cùng nguy hiểm, đặc biệt với lóc tách động mạch chủ type A, tỷ lệ tử vong tăng dần 1% sau mỗi giờ trong 48 giờ đầu, số còn lại sẽ phải bước vào cuộc phẫu thuật cấp cứu cưa xương ức mở ngực và thay đoạn động mạch chủ.

Một trường hợp nữa mới được điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là ông N.V.Q (55 tuổi, Hải Phòng). Bệnh nhân nhập viện do đau ngực và được chẩn đoán phình động mạch chủ bụng. Ông có tiền sử những bệnh lý tim mạch nặng, đa bệnh lý: Sỏi thận, cột sống, gout, huyết áp cao.

10 năm nay, huyết áp của ông Q cao liên tục nhưng không sử dụng thuốc thường xuyên, khiến việc điều trị không được hiệu quả. Bên cạnh đó, ông Q có nhiều bệnh lý nền như rối loạn chuyển hóa liên quan đến ăn uống và sinh hoạt.

Hiện tại, ông Q được điều trị tại khoa Nội, Can thiệp Tim mạch – Hô hấp, Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ông được theo dõi và kiểm tra toàn bộ hệ cơ quan trong cơ thể, trong đó có mạch vành là mạch máu nuôi tim. Kết quả ông Q có tổn thương hẹp 60-70% 2/3 nhánh động mạch vành. Cả hai tổn thương này đều là hậu quả của tăng huyết áp không được điều trị.

BS Bình cho biết, tăng huyết áp là căn bệnh rất nguy hiểm nhưng thường có ít triệu chứng, khiến nhiều người không phát hiện ra bệnh kịp thời. Tuy nhiên, những biến chứng của tăng huyết áp vô cùng nguy hiểm, khó lường, thậm chí gây tử vong. Bệnh tăng huyết áp là một bệnh mạn tính. Để ngăn ngừa lâu dài các biến chứng, người bệnh phải kiểm soát tốt huyết áp, bằng cách thực hiện lối sống khoa học và tuân thủ yêu cầu của bác sĩ.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tang-huyet-ap-benh-ly-kho-duoc-phat-hien-20200619154207175.html