Tăng học phí - thận trọng và thấu đáo

Năm học 2023-2024 đang đến gần. Câu chuyện tăng học phí lại tiếp tục 'nóng', thu hút sự quan tâm của dư luận, nhất là với những gia đình có con đang theo học tại các cơ sở giáo dục. Tăng học phí là theo lộ trình quy định, song trong bối cảnh người dân đang gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra thì cần thận trọng và thấu đáo để tạo được sự đồng thuận trong xã hội.

Việc tăng học phí các cấp học đã được quy định rõ trong Nghị định số 81/2021/NĐ-CP (ngày 27-8-2021) của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Theo đó, từ năm học 2022-2023, học phí sẽ tăng đều hằng năm. Cụ thể là tăng khoảng 7,5%/năm đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và 12,5%/năm đối với giáo dục đại học công lập. Với bậc mầm non, tiểu học (cấp học đang được Nhà nước hỗ trợ học phí), tăng học phí sẽ góp phần tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng giáo dục, mà đối tượng thụ hưởng trực tiếp là người học. Đối với cấp học trung học cơ sở, trung học phổ thông, việc tăng học phí giúp các cơ sở giáo dục có thêm nguồn kinh phí đầu tư thêm vào những hoạt động hỗ trợ học sinh như định hướng nghề nghiệp, tư vấn hướng nghiệp…

Tăng học phí là chính sách quan trọng, cần thiết. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề nhạy cảm bởi ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục triệu gia đình. Với sự nhân văn, vì dân phục vụ, dù đã có lộ trình, song trước những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP (ngày 20-12-2022) về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022-2023, trong đó quy định thời điểm áp dụng mức tăng học phí được lùi lại đến năm học 2023-2024. Đây là sự chia sẻ khó khăn hết sức ý nghĩa, nhờ đó phụ huynh, học sinh đã vơi bớt khó khăn, giảm gánh nặng tài chính và thêm tin tưởng vào Đảng, vào chế độ xã hội chủ nghĩa.

Tăng học phí là để tạo điều kiện cho các trường có thêm nguồn thu hợp lý, trang trải cho hoạt động dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Song như đã nói, dù đã có lộ trình nhưng cũng cần phải tính toán thận trọng và thấu đáo. Tại cuộc họp với Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ, ngành liên quan về vấn đề học phí và sách giáo khoa năm học 2023-2024 chiều 10-5 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng đã nêu rõ, tăng học phí mầm non, giáo dục phổ thông công lập là vấn đề có tác động xã hội rất lớn, vì vậy, phải được tính toán, triển khai một cách căn cơ, bài bản, tổng thể, trên tinh thần nhân văn, không làm ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận giáo dục của những đối tượng chính sách, khó khăn, yếu thế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa...

Học phí là nguồn lực tài chính quan trọng trong việc đầu tư cho ngành Giáo dục. Mặc dù đã có lộ trình nhưng thực tiễn đang đặt vấn đề mới thì chúng ta phải bám sát tình hình thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan để xử lý vấn đề này sao cho phù hợp với lợi ích của Nhà nước, cũng như phù hợp với lợi ích chính đáng và hợp pháp của nhân dân, của học sinh. 3 năm qua, đại dịch Covid-19 khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Học phí tăng cao sẽ "làm khó" nhu cầu học tập của trẻ em, ảnh hưởng chủ trương xây dựng một "xã hội học tập".

Giáo dục là dịch vụ đặc biệt có đối tượng sử dụng rất lớn, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và sự phát triển, tương lai của đất nước. Xét trong bối cảnh hiện nay, đại dịch Covid-19 khiến nhiều ngành, nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề thì việc tăng học phí mầm non, giáo dục phổ thông công lập cần phải có sự phân tích, tính toán chặt chẽ, đánh giá tác động đầy đủ mọi mặt. Mức học phí thấp hay cao phải so với mức thu nhập bình quân của người dân. Khi tăng học phí, các cơ sở đào tạo, các địa phương cần có những tính toán khoa học, cụ thể về việc tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), lạm phát, từ đó đưa ra mức tăng học phí phù hợp để phụ huynh đồng tình, ủng hộ; đồng thời, phải có những cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp đối với những đối tượng khó khăn, yếu thế (học bổng, miễn, giảm học phí…), bảo đảm quyền đến trường của mọi trẻ em, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Xét trên thực tế, học phí dù là nguồn thu quan trọng nhưng không phải là toàn bộ yếu tố quyết định chất lượng giáo dục. Bởi vậy, cần có sự tính toán cẩn thận, thấu đáo, với bước đi phù hợp khi ban hành khung học phí mới. Có như vậy mới “bảo đảm mục tiêu nhất quán là Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, trung học”.

Quỳnh Anh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/1065010/tang-hoc-phi---than-trong-va-thau-dao