Tăng học phí đại học: Lo ngại mức tăng sốc, băn khoăn chất lượng đào tạo có được nâng cao?

Việc nhiều trường đại học triển khai chính sách tự chủ tài chính khiến học phí đồng loạt tăng, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang chịu ảnh hưởng lớn do dịch bệnh kéo dài, khiến không ít sinh viên phải phát tín hiệu 'ét ô ét'.

Bắt đầu từ năm 2022, học phí của các cơ sở đại học sẽ được điều chỉnh tăng theo quy định tại Nghị định mới của Chính phủ về thu chi học phí (Nghị định số 81). Theo đó, từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025 - 2026, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự chủ được quy định theo từng khối ngành với mức 1,2 - 3,5 triệu đồng/ tháng.

Mới đây, trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã thông báo trường chính thức tự chủ tài chính từ đầu năm nay. Mức học phí từ học kỳ II năm học 2021 - 2022 sẽ tăng khoảng 20% so với trước.

Từ năm học này, ba trường thành viên của Đại học Quốc gia TP.HCM cũng đã chuyển sang hướng tự chủ tài chính với mức học phí mới, đó là trường ĐH Bách Khoa, ĐH Kinh tế - Luật và ĐH KHXH&NV.

ĐH KHXH&NV là một trong ba trường thành viên của ĐHQG TP.HCM chuyển hướng tự chủ tài chính trong năm nay. Ảnh: Internet

ĐH KHXH&NV là một trong ba trường thành viên của ĐHQG TP.HCM chuyển hướng tự chủ tài chính trong năm nay. Ảnh: Internet

Đoàn Minh Huy (sinh viên khoa Báo chí - Truyền thông trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) ủng hộ với thay đổi này từ nhà trường nhưng cho rằng cần chính sách học phí phù hợp để không sinh viên nào bị tước đi cơ hội học tập do điều kiện kinh tế: "Việc tự chủ tài chính sẽ giúp trường có thể tự do hơn trong việc xây dựng môi trường học đường, biết đâu sẽ giúp sinh viên thoải mái hơn khi theo học tại trường. Mình thì không quá ái ngại việc tăng học phí nhưng trong tình hình dịch bệnh này thì mình mong sẽ có các chính sách phù hợp hơn để bất kì ai cũng có cơ hội chi trả và theo học tại trường."

Minh Huy ủng hộ việc tự chủ tài chính nếu giúp nâng cao chất lượng đào tạo. Ảnh: NVCC

Là "thần dân" của trường ĐH Kinh tế - Luật (UEL), bạn Cao Trần Nam Anh (chuyên ngành Kinh tế đối ngoại, Chất lượng cao) chia sẻ rằng đối với bạn thì việc trường tự chủ tài chính là hợp lý bởi vì trường tổ chức rất nhiều buổi tư vấn tuyển sinh, hỗ trợ sinh viên tìm kiếm công ty thực tập, đi thực tế trải nghiệm,... Cậu bạn cho biết trường hiện đang xây thêm nhà để xe và sẽ xây thêm nhiều tòa nhà nữa nên nguồn kinh phí này cũng là cần thiết.

Nam Anh cho biết sau khi thông báo tự chủ, trường ĐH UEL đã có những nâng cấp về cả dịch vụ và cơ sở vật chất. Ảnh: NVCC.

Bạn Trương Thị Tuyết Mai tuy tin tưởng vào những cam kết của trường nhưng cũng lo lắng trước mức tăng học phí: "Trường áp dụng đồng bộ các phương pháp đào tạo và nghiên cứu khoa học hiện đại theo hướng hội nhập quốc tế, đồng thời siết chặt chất lượng đội ngũ giảng viên. Tuy nhiên, mình hơi ái ngại về học phí do tăng gấp đôi so với năm trước. Nhưng bên cạnh đó trường có cung cấp suất học bổng khuyến khích."

Tuyết Mai lo ngại về mức tăng học phí gần gấp đôi. Ảnh: NVCC

Lê Duy

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/tang-hoc-phi-dai-hoc-lo-ngai-muc-tang-soc-ban-khoan-chat-luong-dao-tao-co-duoc-nang-cao-post1428683.tpo