Tăng hiệu quả xử lý vi phạm

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng ngay từ khi phát sinh là yêu cầu được thành phố Hà Nội đặt ra trong những năm gần đây. Tuy nhiên trên thực tế, việc bỏ quy định cắt điện, nước đối với công trình vi phạm (sau khi Luật Xây dựng 2014 có hiệu lực từ ngày 1-1-2015) đã gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ, làm giảm hiệu lực quyết định xử lý. Bởi có điện, nước, nhiều chủ nhà vẫn lén lút thi công dẫn đến gia tăng quy mô, mức độ vi phạm.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến hết tháng 5-2020, các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị đã kiểm tra 9.062 công trình xây dựng (đạt tỷ lệ 100% công trình), qua đó phát hiện, lập hồ sơ xử lý đối với 176 trường hợp vi phạm. Đến nay, UBND cấp huyện, cấp xã đã xử lý dứt điểm 94/176 trường hợp, đang tiếp tục giải quyết theo thẩm quyền 82 trường hợp.

Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ chín, cơ quan soạn thảo đã đề nghị bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm. Nội dung này đã nhận được sự đồng tình cao, bởi thực tế thí điểm trước đây, biện pháp cắt điện, nước đã giúp ngăn chặn, bảo đảm hiệu quả xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Bởi không được cấp điện, nước, các cá nhân, tổ chức không thể tiếp tục thi công công trình vi phạm được.

Việc sửa đổi, bổ sung quy định nhằm tăng hiệu quả, hiệu lực quản lý, ngăn chặn hành vi vi phạm là cần thiết. Các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội mong rằng, quy định này sớm được thông qua và có hiệu lực từ đó góp phần giảm số vụ việc vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn.

Phong Châu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/969376/tang-hieu-qua-xu-ly-vi-pham