Tăng hiệu quả từ đổi mới cách thông tin, tuyên truyền

Triển khai Chỉ thị 01 của UBND TP Hà Nội về tổ chức thực hiện 'Năm kỷ cương hành chính 2017' và Thông tri 04 của Đảng ủy Khối các cơ quan TP về lãnh đạo thực hiện Chỉ thị này, đến nay, các cơ quan, đơn vị đã chuyển biến tích cực trong kỷ luật hành chính; lề lối làm việc được cải tiến theo phương châm '5 rõ'.

Đạt kết quả này, phải khẳng định có đóng góp quan trọng của công tác thông tin, tuyên truyền.
Nhiều nơi có cách làm hay
Theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối các cơ quan TP Phùng Khải Lợi, hầu hết cấp ủy cơ sở đã tuyên truyền, quán triệt đến mọi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) bằng nhiều hình thức như tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề…

Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Phan Lan Tú trao giải Nhất cho đội thi.

Nhiều nơi có cách làm hay, như lắp màn hình cảm ứng hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) tại các chung cư; Sở KH&ĐT, Sở Xây dựng bố trí công chức, cộng tác viên tại các điểm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) để tư vấn miễn phí cho công dân về DVCTT mức 3, 4. Sở TT&TT phối hợp tổ chức cuộc thi tuyên truyền “Thủ đô Hà Nội với công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2017” trên báo chí, “Tuyên truyền viên - báo cáo viên về CCHC trên địa bàn TP năm 2017”…
Đáng chú ý, các báo, đài đã tăng thời lượng phát sóng, nâng chất lượng chuyên trang, chuyên mục để kịp thời giới thiệu những gương tiêu biểu, mô hình hay. Trong đó, báo Kinh tế & Đô thị, HàNôịmới chủ động xây dựng kế hoạch, chuyên đề, mở chuyên mục trên báo in, báo điện tử tuyên truyền rộng rãi về “Năm kỷ cương hành chính”, trách nhiệm CBCCVC trong thực thi công vụ…
Trọng tâm, đúng đối tượng
Siết chặt kỷ cương hành chính đã được TP xác định không chỉ là nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 mà sẽ thường xuyên, lâu dài, nên công tác thông tin tuyên truyền “Năm kỷ cương hành chính” tiếp tục đóng vai trò rất quan trọng. Song, theo nhiều ý kiến, hoạt động này cần đổi mới cả nội dung, hình thức mới đạt hiệu quả cao, bởi hiện còn thiếu kịp thời, chưa thật sát cơ sở, phát hiện nhiều gương tốt để động viên, lan tỏa.
Giám đốc Sở VH -TT Tô Văn Động thẳng thắn: Với mọi văn bản mới TP đưa ra, liệu chúng ta đã chọn đúng đối tượng trọng tâm để tuyên truyền với hình thức phù hợp? Ví dụ, người dân vùng sâu, vùng xa có được đọc báo hay xem tivi nhiều như ở TP? Cũng cần xem có phải chúng ta đang ban hành quá nhiều văn bản, nhiều khi rườm rà, khiến việc tuyên truyền và tiếp nhận đều không xuể. Cũng theo ông Động, đúng là trách nhiệm “xây dựng người Hà Nội văn minh thanh lịch”, chủ yếu thuộc ngành VH - TT, nhưng để tạo được nếp sống văn hóa, ngành giáo dục cũng cần quan tâm bồi dưỡng ngay khi công dân còn nhỏ; tổ chức đoàn cần phát huy vai trò tuyên truyền trong thanh niên... “Khi việc xây dựng "người Hà Nội văn minh thanh lịch" có chuyển biến rõ, sẽ giúp thực hiện tốt “Năm kỷ cương hành chính” - ông Động nói.
Tổng Biên tập báo HàNôịmới Nguyễn Hoàng Long cho rằng: Để tuyên truyền kỷ cương hành chính hiệu quả, cần chú trọng gắn với Quy tắc ứng xử của CBCCVC tại cơ quan, nhất là bồi dưỡng những CBCC phải hay giao tiếp với công dân. Trong khi lãnh đạo Thành đoàn đề xuất, Đảng ủy Khối cơ quan TP cần chỉ đạo Đoàn Khối chú trọng tuyên dương CBCC trẻ; báo, đài cũng cần chọn gương CBCC trẻ, người có trách nhiệm vì Nhân dân phục vụ để tuyên truyền, nhân rộng.
Đặc biệt, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Đình Hoa đề xuất, các cơ quan nên tăng cường đối thoại với người dân, DN để nhận được những góp ý thẳng thắn, lại giúp CBCC nắm vững luật, rèn kỹ năng ứng xử. Các cấp, ngành cũng cần tăng giám sát việc tuyên truyền tại đơn vị, bố trí kinh phí, nâng chất lượng công tác này, để tạo thuận lợi cho người dân nắm bắt các quy định hành chính.

Bài, ảnh: Linh Chi

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tang-hieu-qua-tu-doi-moi-cach-thong-tin-tuyen-truyen-303418.html