Tăng hiệu quả trong giáo dục kỹ năng sống

Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều quy định về hoạt động giáo dục kỹ năng sống (KNS) tại các cơ sở giáo dục. Theo đó, từng cơ sở giáo dục phải có phòng học, phòng chức năng; thiết bị dạy học bảo đảm an toàn, phù hợp nội dung dạy học, tâm lý lứa tuổi người học; giáo viên, báo cáo viên, huấn luyện viên phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm và am hiểu các lĩnh vực KNS, hoạt động giáo dục có liên quan.

Nội dung giáo dục KNS phải phù hợp từng lứa tuổi. Thí dụ, đối với người học là trẻ mầm non, giáo dục KNS giúp trẻ thực hiện những quy tắc an toàn thông thường, biết làm một số việc đơn giản, hình thành và phát triển các kỹ năng xã hội cần thiết, như: thể hiện tình cảm, sự chia sẻ, hợp tác, kiên trì, vượt khó; hình thành một số kỹ năng ứng xử phù hợp với gia đình, cộng đồng, bạn bè và môi trường.

Với phương châm “học đi đôi với hành”, nhiều sở giáo dục và đào tạo đã xây dựng kế hoạch, chương trình triển khai công tác giáo dục KNS cho học sinh. Tại các trường, hoạt động này thường được lồng ghép, tích hợp trong các môn học chính khóa, môn học ngoài giờ và hoạt động trải nghiệm. Thông qua các buổi học và trải nghiệm thực tế, giáo dục KNS đã làm tăng sự nhận biết của trẻ, làm thay đổi thái độ, hành vi của học sinh trong một số hoạt động, như: ứng xử khéo léo; sống và giao tiếp tự tin; có trách nhiệm với bản thân, gia đình; biết bơi lội; biết cách phòng, chống xâm hại, tai nạn, thương tích… Tuy nhiên, việc dạy KNS cho trẻ ở nhiều trường học thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế bởi cơ sở vật chất, thiết bị trong trường học mới chỉ đáp ứng cơ bản nhu cầu giảng dạy kiến thức cho học sinh mà chưa đáp ứng được những yêu cầu đặc thù của hoạt động giáo dục KNS. Do tích hợp trong môn học, cho nên giáo dục KNS còn nặng phần kiến thức, trong khi KNS cần sự rèn luyện, thể hiện qua hành vi, thông qua hoạt động ngoài giờ lên lớp, các câu lạc bộ. Đội ngũ cán bộ, giáo viên dạy KNS gặp nhiều khó khăn, lúng túng do chưa được tập huấn bài bản. Hằng năm, chỉ có khoảng 85% số giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông được tham gia tập huấn. Sự việc mới xảy ra tại nhóm lớp trẻ mầm non tư thục Tuổi thơ, xã Duy Minh, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam là một thí dụ. Trong giờ dạy về kỹ năng phòng, chống cháy nổ, cô giáo đã dùng cồn đổ vào trong mâm làm giáo cụ trực quan, rồi châm lửa đốt, khiến ba trẻ bị bỏng, phải nhập viện cấp cứu. Việc đốt cồn trong mâm để dạy, trong khi các cháu ngồi gần chung quanh cho thấy một thực tế đáng tiếc là giáo viên còn thiếu kỹ năng về bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ.

Những bất cập trong giáo dục KNS xảy ra thời gian qua ở nhiều địa phương trên cả nước đòi hỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhanh chóng chỉ đạo biên soạn, tổ chức thẩm định, bổ sung hệ thống tài liệu hướng dẫn hoạt động, giáo dục KNS cho học sinh, giáo viên; nghiên cứu xây dựng tiêu chí đánh giá công tác giáo dục KNS tại cơ sở giáo dục. Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán, đội ngũ cán bộ phụ trách công tác giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên. Các sở giáo dục và đào tạo cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên về vai trò, tầm quan trọng của công tác giáo dục KNS trong trường học, nhằm tạo ra chuyển biến tích cực về nhận thức. Đồng thời, rà soát, ban hành hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn các trường học triển khai công tác giáo dục KNS cho phù hợp đặc thù của từng địa phương, từng trường, bảo đảm công tác giáo dục KNS được triển khai thường xuyên, hiệu quả.

Quỳnh Nguyễn

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/41228302-tang-hieu-qua-trong-giao-duc-ky-nang-song.html