Tăng hay không tăng lương tối thiểu vùng 2019?: Nên ở mức 5 - 6%

Mặc dù đại diện phía chủ sử dụng lao động và NLĐ đưa ra các phương án tăng lương tối thiểu vùng chênh nhau khá lớn, song theo ý kiến của các chuyên gia, mức tăng 5 - 6% là hợp lý cho cả 2 bên.

Lương tối thiểu vùng cần phải đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người lao động - Ảnh: Ngọc Thắng

Chia sẻ quan điểm cá nhân, ông Doãn Mậu Diệp bày tỏ: “Năm 2019 chắc chắn vẫn sẽ tăng lương, nhưng mức tăng khó có thể bằng năm 2018 là 6,5% vì còn có nhiều rủi ro. Ngoài sự khó khăn của DN, tỷ giá biến động thời gian gần đây cũng là yếu tố tác động. Vì vậy, DN và NLĐ phải cùng chia sẻ với nhau chứ không thể khăng khăng giữ phương án riêng của mình”.

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, nhận định mức tăng lương năm tới chỉ nên 5 - 6%. “DN cũng muốn tăng lương cho NLĐ, nhưng tình hình hiện nay rất khó khăn. Nhiều DN chế biến thủy sản thiếu nguyên liệu, không thể tăng lương cho NLĐ. Vì vậy, nếu DN không có điều kiện tăng nhiều, thì cũng nên tăng ở mức 5% đủ bù trượt giá, đảm bảo mức sống tối thiểu cho NLĐ".

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng mức tăng nên từ 6%. “Mức tăng lương tối thiểu cần phải tính toán để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên. DN kêu khó, nhưng NLĐ hiện nay cũng rất khó khăn, tăng lương để cải thiện đời sống của NLĐ thì NLĐ mới có sức khỏe, yên tâm gắn bó với DN”, ông Lợi khuyến nghị.

Tuy không đưa ra bình luận cụ thể về mức tăng lương tối thiểu cho năm 2019, song đại diện của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nhìn nhận, tiền lương tối thiểu của VN đã tăng khá nhanh trong giai đoạn 2013 - 2016 (khoảng 13 -15%) trước khi giảm xuống còn 7% (2017) và 6,5% (2018). Mặc dù mức tăng tiền lương tối thiểu trong giai đoạn 2013 - 2016 được xem là để bù mức lương tối thiểu rất thấp năm 2012, nhưng theo chuyên gia của ILO, mức tăng lương tối thiểu quá nhanh cũng tạo ra những quan ngại về sự xói mòn trong khả năng cạnh tranh của ngành xuất khẩu VN, đặc biệt là giữa người sử dụng lao động có mức lương thấp và ngành công nghiệp xuất khẩu thâm dụng lao động như dệt may, da giày và các ngành khác.

Đại diện ILO khuyến nghị việc điều chỉnh lương tối thiểu cần được thực hiện thường xuyên, nhằm tạo ra môi trường thuận lợi đối với công tác lập kế hoạch và sự phát triển của DN. Bên cạnh đó, nếu lương tối thiểu không điều chỉnh thường xuyên, sẽ dẫn đến việc điều chỉnh đột ngột và với biên độ lớn, gây sốc cho DN và NLĐ.

Vì thế, việc quyết định điều chỉnh sẽ khó khăn hơn. “Hội đồng Tiền lương quốc gia có thể quyết định không tăng lương tối thiểu trong một vài năm nhưng đó cần phải là quyết định của các đối tác 3 bên là chủ sử dụng lao động, NLĐ, nhà nước và cần được thông báo theo thời gian biểu đã xây dựng cho việc điều chỉnh lương tối thiểu”, đại diện ILO nhấn mạnh.

Thu Hằng

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/tang-hay-khong-tang-luong-toi-thieu-vung-2019-nen-o-muc-5-6-981410.html