Tăng giờ làm thêm, tính lương thế nào để người lao động không thiệt?

Việc tăng giờ làm thêm phần nào tạo ra sự linh hoạt cho doanh nghiệp nhưng chế độ chi trả làm thêm giờ cần tính toán theo phương pháp lũy tiến.

Bộ LĐ-TB-XH đang xây dựng dự thảo Luật Lao động (sửa đổi). Trong đó, có nội dung người sử dụng lao động có thể huy động người lao động làm thêm giờ, nhưng một ngày không quá 4 giờ và một năm không quá 400 giờ.

Tại phiên họp đầu tiên của ban soạn thảo diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp cho biết, khi lấy ý kiến, các đại diện doanh nghiệp cho rằng, việc quy định tổng số giờ làm thêm tối đa mỗi năm 200 giờ và 300 giờ trong các trường hợp đặc biệt theo luật hiện nay là rất thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore.

Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) có nội dung tăng giờ làm thêm của người lao động lên 400 giờ/năm. (Ảnh minh họa)

Song ông Diệp cho rằng, việc làm thêm giờ này sẽ phải thỏa thuận với người lao động và đi kèm với điều kiện tăng tiền trả làm thêm giờ. Đồng thời, nếu được đồng ý, người sử dụng lao động có thể huy động người lao động làm thêm giờ, nhưng một ngày không quá 4 giờ và mỗi năm không quá 400 giờ.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho biết: “Nếu ở các nước phát triển, điều kiện làm việc và năng suất cao hơn, có thể giờ làm việc ít đi. Nhưng trong điều kiện năng suất, thu nhập hiện nay và điều kiện kinh tế có nhiều khó khăn, chúng ta phải chấp nhận tình trạng tăng giờ làm thêm”.

Theo ông Huân, hiện nay do mức lương còn khá khiêm tốn, không ít người lao động ở các KCN phải chủ động đăng ký làm thêm giờ để có thêm các khoản bù đắp cho sinh hoạt.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày, do nhịp độ thực hiện các đơn hàng có thể khiến phát sinh tình trạng tăng ca, đẩy nhanh sản xuất để phục vụ tiến độ xuất hàng. Trong điều kiện này, việc tăng số giờ làm thêm của người lao động là khó tránh.

Theo vị nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, thực tế trong các doanh nghiệp có thời điểm người lao động phải căng mình làm thêm, nhưng cũng có lúc lại “chơi dài”. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn phải vận động người lao động tạm thời nghỉ vì thiếu việc”.

Ông Huân cho rằng, việc tăng giờ làm thêm cũng cần chú ý đến tác động ngược lại đối với người lao động là gì?

Về phía đại diện cho người lao động, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐVN) cho biết, trong những năm trước đây, Tổng LĐLĐVN phải đối đề xuất tăng thêm giờ làm thêm mà một số đơn vị đưa ra.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các doanh nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, da dày vẫn đang gặp phải khó khăn khi cần gấp đơn hàng, trong khi quỹ thời gian làm thêm ít.

Dựa vào thực tế, ông Quảng cho rằng có thể xem xét theo hướng thêm giới hạn giờ làm thêm hơn 200 giờ/năm.

“Việc này phần nào sẽ tạo sự linh hoạt cho doanh nghiệp, nhưng chế độ chi trả giờ làm thêm nên tính theo phương pháp lũy tiến”, ông Lê Đình Quảng nhấn mạnh.

Đánh giá về các tác động ngược trở lại, ông Quảng lưu ý, không nên lạm dụng việc gia tăng giờ làm, người lao động có thể gây ra các tai nạn lao động, năng suất lao động cũng có thể giảm đi.

Đồng thời, việc gia tăng giới hạn giờ làm thêm chỉ nên áp dụng ở một số doanh nghiệp đặc thù theo ngành nghề hoặc thâm dụng lao động./.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/tang-gio-lam-them-tinh-luong-the-nao-de-nguoi-lao-dong-khong-thiet-804355.vov