Tăng giờ làm thêm, nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn

Phiên thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) của UB Các vấn đề xã hội (Quốc hội) diễn ra vào chiều 19/5, 'sát nút' ngay trước ngày khai mạc Quốc hội, nhận được nhiều đóng góp sôi nổi liên quan đến việc tăng khung giờ làm cho người lao động. Theo đó, việc tăng giờ làm thêm cần tính đến các ảnh hưởng liên quan đến tiền lương, sức khỏe… của người lao động.

Chưa nên áp dụng rộng rãi

Việc tăng khung giờ làm thêm là một trong những nội dung được đưa vào sửa đổi tại Bộ luật Lao Động (sửa đổi), dự kiến trình và lấy ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 sắp diễn ra. Theo Bộ LĐTBXH – cơ quan được giao soạn thảo, Bộ luật Lao động (sửa đổi) hiện hành quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày, 30 giờ/tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm.

Quan điểm của Chính phủ là việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ tối đa là cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh của thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người lao động, góp phần bảo vệ quyền lợi tiền lương của người lao động.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Giàng A Chu góp ý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Ảnh: D.H

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Giàng A Chu góp ý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Ảnh: D.H

Do vậy, Chính phủ quy định trong dự thảo mức mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt sẽ tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành: từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm.

Qua khảo sát, đánh giá và tham vấn ý kiến của các bên trong quá trình soạn thảo, đa số ý kiến tán thành. Đây là mức giờ tăng thêm tối ưu hóa mặt tích cực, hạn chế thấp nhất mặt tiêu cực của việc làm thêm giờ trên cơ sở các nghiên cứu, cân nhắc và đánh giá tác động về kinh tế, xã hội và tác động giới.

Nội dung này tiếp tục nhận được nhiều ý kiến băn khoăn của đại diện các cơ quan Quốc hội khi đặt trong tương quan với tiền lương, đảm bảo sức khỏe – an toàn lao động và nhiều vấn đề liên quan.

Ông Giàng A Chu – Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội - cho rằng, làm thêm giờ để tăng thêm thu nhập trong bối cảnh lương không đủ sống với nhiều lao động, về mặt nguyên tắc là đúng, nhưng không nên áp dụng rộng rãi tất cả các ngành mà cần áp dụng cho nơi nào có điều kiện, ví dụ như là chỉ là cơ quan hành chính sự nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương thì cho rằng, việc đặt ra giờ làm thêm nghe có vẻ… mâu thuẫn. Lý lẽ mà ông Cương đưa ra là đất nước phát triển thì đáng lẽ người lao động phải có thêm thời gian nghỉ ngơi chứ không phải là làm thêm giờ nhiều hơn.

“Nói thật là không ai muốn làm thêm, ai cũng muốn được nghỉ nhưng vì miếng cơm manh áo có thêm điều kiện trang trải mà phải làm thêm. Trong khi đó, tiền lương của mình, mục đích là sống bằng lương nhưng chưa biết bao giờ mới đạt được. Tôi thì tôi nghĩ không nên đề xuất tăng thêm giờ làm gì, bởi phải đánh giá đầy đủ về việc ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động nữa”- ông Cương cho hay.

Tăng giờ làm phải tăng lương lũy tiến

Là tổ chức đại diện cho người lao động, ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn LĐVN - chia sẻ rằng, cơ bản TLĐLĐVN thống nhất phương án mở rộng thêm giờ làm tối đa 400 giờ. “Chúng tôi đồng tình nhưng rất buồn vì đại diện cho người lao động nhưng phải chấp nhận điều này” – ông Hiểu nói.

Ông Hiểu cho rằng, khi tiếp cận vấn đề này với đồng lương tối thiểu của người lao động, có không ít điều phải suy nghĩ. Bản thân ông cảm thấy rùng mình khi Chủ tịch công đoàn khu công nghiệp ở Long An cho biết tỉ lệ tín dụng đen trong công nhân có khi lên đến 50%. Đã có cán bộ công đoàn bị đánh giữa đường vì đi tuyên truyền việc không sử dụng tín dụng đen.

Việc tăng giờ làm thêm của NLĐ cần gắn với việc tăng lương lũy tiến. Ảnh minh họa

“Chúng ta cần phải suy nghĩ khi tiếp cận vấn đề lương tối thiểu cho NLĐ. Ta có thêm tỷ phú nhưng cũng thêm NLĐ nghèo, thêm nhiều sân bay nhưng vô số NLĐ không có nhà. Số nhiều mong không ở trong ngôi nhà của mình vì quá nóng, quá chật” – ông nói.

Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết đồng tình với vấn đề tăng giờ làm thêm, nhưng trên quan điểm là lương phải tăng lũy tiến.

“Mỗi ngày LNĐ được thêm 4 giờ làm. Có thể 2 giờ đầu giữ mức 5 đồng, nhưng giờ thứ 3 là lên 7 và giờ thứ 4 là lên 9. Cách này nhằm giảm nguy cơ huy động giờ làm thêm của giới chủ. NLĐ phải bỏ ra chi phí nhiều hơn để tái tạo sức lao động, tăng nguy cơ tai nạn lao động, giảm thời gian dành cho gia đình, người thân” – ông đề xuất.

Đồng tình với điều này, ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, làm thêm quá nhiều sẽ khiến NLĐ sớm cạn kiệt sức lực, ảnh hưởng đến thời gian nghỉ ngơi, không đủ điều kiện tái lao động sản xuất.

Tôi cũng chưa thấy ai đánh giá đến hệ lụy xã hội. Liệu tăng ca, làm thêm giờ có giải quyết được bài toán tăng năng suất lao động không, rồi còn vấn đề thất nghiệp cho lao động mới. Lao động giá rẻ, bài toán tiền lương…. chưa cập nhật được thì hệ lụy xã hội đưa ra cần phải suy nghĩ. Tôi mong cơ quan soạn thảo đánh giá sâu sắc hơn khi đưa ra vấn đề này để sớm thống nhất cách làm”.

Bà Đỗ Thị Lan – Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh - cho rằng, làm thêm giờ phải phù hợp với sức khỏe, thu nhập của từng đối tượng lao động. Vì vậy cần phải có danh mục quy định rõ đối với trường hợp nào mới quy định làm thêm giờ. Nếu làm thêm giờ thì phải có cam kết thỏa thuận như thế nào để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.

Nhật Lam

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/luat-doi/tang-gio-lam-them-nhieu-dai-bieu-quoc-hoi-ban-khoan-post59521.html