Tăng giờ làm thêm: Nên hay không?

Chiều 29/5, đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi). Nội dung tăng giờ làm thêm vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Lo ngại hao phí sức lực của người lao động

Liên quan đến nội dung , tờ trình của Chính phủ đề nghị mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt: tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành (từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm). Mức tăng giờ làm thêm này cũng chỉ áp dụng đối với một số ngành nghề nhất định và vào các thời điểm nhất định (thời điểm hoàn thành đơn hàng theo mùa, vụ). Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc tăng giờ làm thêm cũng ảnh hưởng tới sức khỏe của NLĐ và có thể gây ra thiếu việc làm do doanh nghiệp không muốn tuyển lao động mới mà huy động NLĐ hiện có làm thêm giờ.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) tán thành việc làm thêm giờ, bởi hiện nay nhiều quốc gia kinh tế phát triển hơn nhưng thời gian làm thêm nhiều hơn Việt Nam. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, tăng giờ làm thêm từ 200-400 giờ/năm, nhưng có thể điều chỉnh có thêm thời gian nghỉ ở giờ làm việc chính thức cho NLĐ. “Cần quy định về mức tiền trả làm thêm, tăng bao nhiêu cần tính toán để bảo đảm hài hòa lợi ích của NLĐ và doanh nghiệp"- đại biểu Nguyễn Văn Sơn cho biết.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cũng tán thành với dự thảo của Luật Lao động là mở rộng thời gian làm thêm không quá 400 giờ/1 năm. Theo đại biểu Lộc, nếu so sánh tương quan giữa Việt Nam và các nước trong khu vực như Nhật Bản thì thời gian làm thêm của chúng ta là ít nhất. Theo quy định mới nhất của Nhật hiện nay là không quá 360 giờ/năm.

“Với tiền lương cho thời gian làm thêm, nếu quy định là 400% như trong dự thảo về quy định thì không chủ lao động nào có thể đáp ứng được, bởi nó liên quan tới hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Ngoài ra, tôi đề nghị lưu ý việc chủ sử dụng lao động chỉ có thể yêu cầu làm thêm giờ khi được người lao động đồng ý, phải có sự thỏa thuận giữa hai bên về thời gian làm thêm cũng như tiền lương”- đại biểu Vũ Tiến Lộc cho biết.

Tăng giờ làm thêm nhưng đảm bảo quyền lợi của người lao động

Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh- Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho rằng, tăng giờ làm thêm thì cần giảm giờ làm chính thức. Khẳng định việc làm thêm giờ là nhu cầu có thực xuất từ cả hai phía doanh nghiệp và NLĐ, đại biểu Trương Thị Bích Hạnh – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho hay, điều này thậm chí có ngay từ khi bộ luật Lao động có hiệu lực từ năm 2012, qua gặp gỡ đối thoại với người sử dụng lao động. Tuy vậy, mục đích đạt được từ hai phía, theo bà Hạnh lại không giống nhau.

Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh- Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương. (Ảnh: D.H)

“Doanh nghiệp muốn NLĐ làm thêm giờ nhiều để giải quyết đơn hàng, nhất là lĩnh vực gia công, hàng xuất khẩu, giảm bớt tuyển dụng lao động, và thu được lợi nhuận. Còn với NLĐ, mục dích đầu tiên và cũng là cuối cùng là tăng thu nhập để đảm bảo đời sống” – nữ đại biểu nhìn nhận.

Qua khảo sát, bà Hạnh cho biết, tình hình làm thêm giờ ở Bình Dương – “thủ phủ” của các khu công nghiệp, khu chế xuất - hiện diễn ra quá phổ biến, thậm chí vượt gấp 2 – 3 lần khung giờ quy định.

“Nhiều doanh nghiệp thậm chí tăng ca từ 800 – 1000 giờ mỗi năm thậm chí hơn, trong khi luật chỉ cho phép tối đa 300 giờ. Năm 2017, Bộ LĐ-TB-XH thanh tra, chọn lĩnh vực điện tử và kết luận, 60% doanh nghiệp thanh tra vi phạm thời gian làm thêm giờ"- bà Hạnh chia sẻ.

Tuy nhiên, bà Hạnh cũng cho rằng, vấn đề này cũng xuất phát từ chính nhu cầu của NLĐ, nên doanh nghiệp dù vi phạm vẫn khó bị phạt do có giấy tờ cam kết từ chính NLĐ, hoặc có bị phạt thì mức phạt quá nhẹ so với lợi nhuận thu về nên việc xử phạt gặp nhiều khó khăn.

“Chúng tôi rất đau lòng khi phải chấp nhận việc tăng giờ làm. Nhưng thực tế ở Bình Dương là nếu chúng tôi bảo vệ quan điểm không tăng ca thì NLĐ sẽ phản ứng, vì người ta có nhu cầu muốn tăng ca. Nhiều NLĐ đi tìm doanh nghiệp có tăng ca để ứng tuyển. Vì sao? Vì tiền lương không đủ sống, buộc họ phải làm thêm giờ để đảm bảo thu nhập”.

Do vậy, bà Trương Thị Bích Hạnh đề nghị, xem xét việc tăng giờ làm thêm trên hai phương diện. Thứ nhất, nếu tăng giờ làm thêm, luật cần xem xét giảm thời gian làm việc chính thức từ 48h/tuần xuống còn 44h/tuần tối đa cho NLĐ để đảm bảo tái tạo sức lao động. Thứ hai, luật cần bảo vệ quyền lợi và tiền lương của NLĐ như mục tiêu xây dựng điều khoản này.

“Luật tăng lên thêm 100 giờ làm thêm mà giữ nguyên mức tính lương như cũ thì không thể nói là bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Vì vậy tăng làm thêm thì phải tăng tiền lương làm thêm cho NLĐ. Hoặc tăng lương lũy tiến: 2 tiếng đầu tăng một mức thì tiếng thứ 3, 4 phải tăng lên so với mức tăng ban đầu đó” – bà Bích Hạnh đề xuất./.

Thy Hạt-Kim Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tang-gio-lam-them-nen-hay-khong-915055.vov