Tăng giải pháp phòng ngừa, xử lý nghiêm sai phạm

Tăng cường các cơ chế phòng ngừa để 'không thể tham nhũng'; chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, lãng phí. Đó là các giải pháp quan trọng mà Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa 17 về 'Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021 - 2025' đã đề ra để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực vốn được coi là khó và nhạy cảm này.

Cán bộ, đảng viên tại điểm cầu quận Hà Đông tham gia học tập 10 Chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVII (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: HÀ THU

Cán bộ, đảng viên tại điểm cầu quận Hà Đông tham gia học tập 10 Chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVII (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: HÀ THU

Tăng cường các cơ chế phòng ngừa để "không thể tham nhũng"; chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, lãng phí. Đó là các giải pháp quan trọng mà Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa 17 về "Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021 - 2025" đã đề ra để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực vốn được coi là khó và nhạy cảm này.

Xây dựng cơ chế "không thể tham nhũng"

Theo Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội, Nguyễn Quang Đức, Chương trình số 10 hướng đến mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên; cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng trong sạch, có phẩm chất, năng lực, trình độ, có bản lĩnh vững vàng, có dũng khí đấu tranh; liêm chính, chí công vô tư, thật sự là "thanh bảo kiếm" của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN); tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan chức năng về PCTN, lãng phí. Thành phố đặt ra yêu cầu lấy phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài và phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa ở tất cả các lĩnh vực; chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, lãng phí; không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền. Hà Nội sẽ kiên quyết, kiên trì, khẩn trương xây dựng các quy định về phòng ngừa để "không thể tham nhũng", quy định về răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không dám tham nhũng"; tuyên truyền, giáo dục để "không muốn tham nhũng", quy định về bảo đảm để "không cần tham nhũng".

Đồng chí Nguyễn Quang Đức cho biết, Chương trình số 10 xác định ba nhóm chỉ tiêu về phòng ngừa, phát hiện, xử lý và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, tất cả các cuộc thanh tra, kiểm tra khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, hoặc có dấu hiệu tham nhũng phải được kiến nghị chuyển đến cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, 90% các quyết định, kết luận có hiệu lực pháp luật phải được thực hiện xong theo quy định. Phấn đấu tất cả các tố giác, tin báo về tội phạm được xem xét giải quyết đúng quy định; tất cả các vụ án về tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng phải được điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật. Công tác thi hành án dân sự đạt tỷ lệ hằng năm hơn 80% và hơn 60% tiền, tài sản phải được thu hồi theo quy định.

Để đạt được mục tiêu đề ra về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chương trình số 10-CTr/TU xác định sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra; tăng cường công tác kiểm soát quyền lực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ để phòng ngừa tham nhũng, lãng phí... Cùng với đó, sẽ tăng cường công tác kiểm tra, rà soát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với công tác quản lý, sử dụng đất đai, quy hoạch, xây dựng, khai thác tài nguyên, khoáng sản; việc mua bán, chuyển nhượng, sử dụng tài sản công...; xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, góp phần tiết kiệm chi phí, nâng cao thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm cuộc sống cho cán bộ, công chức, viên chức. Người đứng đầu tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp phải nêu cao trách nhiệm, gương mẫu, quyết liệt, đi đầu, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí tại đơn vị, địa phương mình.

Công khai, minh bạch hơn

Tại các đơn vị, địa phương của Hà Nội, công tác PCTN đã và đang được triển khai bằng các giải pháp cụ thể. Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ, Nguyễn Anh Tuấn cho biết, quận đã tăng cường kiểm tra những lĩnh vực dễ xảy ra hành vi tham nhũng, như: Quản lý và chi tiêu ngân sách, mua sắm tài sản công; đầu tư, cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng… Thời gian tới, quận Tây Hồ tiếp tục chỉ đạo sâu sát việc thực hiện chương trình, kế hoạch PCTN đã đề ra, trong đó, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao như xây dựng cơ bản, đất đai, giải phóng mặt bằng; thu, chi ngân sách, mua sắm tài sản công, công tác cán bộ.

Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức, Nguyễn Hoàng Trường cho biết: Thực hiện Chương trình số 10 - CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, huyện đề ra bảy nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể: Công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là trong các lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai, tài chính ngân sách, mua sắm công, xây dựng cơ bản, công tác cán bộ; tăng cường việc kiểm tra, rà soát, sử dụng có hiệu quả, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức của các cơ quan, đơn vị, chống thất thoát, lãng phí. Bên cạnh đó, huyện tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, cải thiện môi trường đầu tư; công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, Chương trình đã nêu rõ những mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong việc nâng cao hiệu quả công tác PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế để đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

KHẢI HƯNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tranghanoi-tin-chung/tang-giai-phap-phong-ngua-xu-ly-nghiem-sai-pham-649690/