Tăng giá xăng dầu và điện đẩy CPI tăng nhẹ trong tháng 7

Dù vậy, trong 7 tháng đầu năm, CPI vẫn chỉ tăng 2,61% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần nhất.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2019 tăng 0,18% so với tháng trước.

Cụ thể, 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. Cụ thể, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có mức tăng cao nhất, tăng 0,94%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,33%; giáo dục tăng 0,22%;

Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,15%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,12%, may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,1%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,08%; bưu chính viễn thông tăng 0,01%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02% do chỉ số giá nhóm bảo hiểm y tế tăng 6,67%

Hai nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giá giảm là giao thông giảm 0,03%, nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng giảm 0,03%.

Việc tăng giá xăng dầu có tác động trực tiếp đến CPI tháng 7. Ảnh: Tieudung.vn

CPI bình quân 7 tháng năm 2019 tăng 2,61% so với bình quân cùng kỳ năm 2018; CPI tháng 7/2019 tăng 1,59% so với tháng 12/2018 và tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát cơ bản tháng 7/2019 tăng 0,23% so với tháng trước và tăng 2,04% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng năm 2019 tăng 1,89% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. Được biết, chỉ tiêu lạm phát năm 2019 mà Quốc hội đề ra là dưới 4%.

Theo Tổng cục Thống kê, việc tăng giá xăng dầu, giá điện có ảnh hưởng trực tiếp đến việc chỉ số giá tiêu dùng tăng nhẹ trong tháng. Việc kiên định chính sách tiền tệ linh hoạt giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ góp phần kiềm chế lạm phát.

Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá hồi cuối tháng 3, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Chính phủ hoàn toàn có thể kiểm soát lạm phát của năm 2019 ở mức từ 3,3 đến 3,9%.

Hà Linh

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/thuong-truong/tang-gia-xang-dau-va-dien-day-cpi-tang-nhe-trong-thang-7-3329789/