Tăng giá trị thương hiệu sản phẩm

Hiện nay, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nhất là mặt hàng nông, lâm, thủy sản có vai trò hết sức quan trọng đối với người sản xuất và các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, HTX... Việc gắn tem truy xuất sẽ giúp minh bạch 'lý lịch' sản phẩm, qua đó khiến người tiêu dùng yên tâm hơn về chất lượng, thương hiệu của các mặt hàng.

Sản xuất trà hoa vàng tại cơ sở của anh Nịnh Văn Trắng, xã Đạp Thanh (Ba Chẽ).

Sản xuất trà hoa vàng tại cơ sở của anh Nịnh Văn Trắng, xã Đạp Thanh (Ba Chẽ).

Là một trong những hộ dân tiên phong trong xây dựng thương hiệu OCOP trà hoa vàng của huyện Ba Chẽ, anh Nịnh Văng Trắng, xã Đạp Thanh (Ba Chẽ) vẫn đang tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm của mình để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Anh Trắng cho biết: Năm 2013, anh đăng ký tham gia chương trình OCOP với sản phẩm trà hoa vàng. Đến năm 2017, anh đứng ra thành lập công ty, mạnh dạn đầu tư thêm công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Đặc biệt, được sự hướng dẫn của các ban, ngành, anh tiếp tục cải tiến, bổ sung truy xuất nguồn gốc bằng mã QR-code trên bao bì. Qua đó xây dựng thương hiệu trà hoa vàng bài bản, chuyên nghiệp hơn; đồng thời, giúp người tiêu dùng yên tâm hơn về xuất xứ, chất lượng của sản phẩm.

Còn theo chị Nguyễn Thị Nga, Công ty TNHH Chè Hằng Nga (TP Hạ Long), việc dán tem truy xuất nguồn gốc rất thuận tiện, đồng thời nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm. Đây cũng là cách để những cơ sở sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp, HTX OCOP Quảng Ninh khẳng định sự minh bạch và uy tín của mình, xây dựng hình ảnh đáng tin cậy trong lòng người tiêu dùng.

Các sản phẩm OCOP của Quảng Ninh được dán tem truy xuất điện tử hoặc có mã số, mã vạch. Trong ảnh: Sản phẩm OCOP nước mắm sá sùng của Công ty CP Thủy sản Cái Rồng.

Được triển khai thí điểm lần đầu tiên vào năm 2017 trên các sản phẩm OCOP, việc dán tem truy xuất nguồn gốc hàng hóa ngày càng được các doanh nghiệp, HTX cũng như người tiêu dùng đón nhận tích cực. Đến nay, đã có trên 90% sản phẩm thuộc Chương trình OCOP của tỉnh được dán tem điện tử, hoặc đã có mã số, mã vạch để truy xuất nguồn gốc.

Các doanh nghiệp, HTX cũng đã hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn của Bộ tiêu chí đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP, nhất là việc công bố tiêu chuẩn chất lượng, nâng cấp bao bì, tem nhãn, xây dựng thương hiệu, bảo hộ về nhãn hiệu, dán tem truy xuất nguồn gốc.

Năm 2019, tỉnh cũng triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn tại địa chỉ website: https://qn.check.net.vn/. Theo đó, Sở NN&PTNT được giao nhiệm vụ phối hợp với đơn vị tư vấn tiến hành thu thập, số hóa, cập nhật dữ liệu của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh lên hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 109 doanh nghiệp và 186 sản phẩm đã được cấp mã truy xuất nguồn gốc an toàn. Sở cũng đã hoàn thành thiết kế 2 loại tem truy xuất (gồm 1 tem chứa mã QR và 1 tem có chức năng chống giả); thực hiện in 90.000 tem truy xuất các loại.

Đặc biệt, để hỗ trợ doanh nghiệp, các HTX, Sở KH&CN đã tổ chức các lớp tập huấn phổ biến hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch, tiêu chuẩn cơ sở; trực tiếp hướng dẫn các đơn vị sản xuất OCOP sử dụng mã số, mã vạch.

Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm tỉnh Quảng Ninh trên điện tử.

Tiếp tục thực hiện chương trình này, tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 92/KH-UBND về việc phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Đề án được thực hiện với chủ trương sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; đảm bảo chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa; đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 tỉnh sẽ tập trung xây dựng phát triển hạ tầng kỹ thuật cần thiết cho hệ thống truy xuất nguồn gốc của tỉnh, tập trung các loại hàng hóa chủ lực, trọng điểm, tham gia chương trình OCOP của tỉnh. Đồng thời phấn đấu đến năm 2030 đạt 100% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn có hệ thống truy xuất nguồn gốc, áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, đảm bảo khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với hệ thống truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Nguyên Ngọc

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202006/tang-gia-tri-thuong-hieu-san-pham-2489335/