Tăng giá trị sản phẩm cà-phê

Những năm qua, ngành cà-phê Việt Nam phát triển mạnh về diện tích, năng suất, sản lượng và hình thành các vùng chuyên canh tập trung ở khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả hơn, các bộ, ngành liên quan cần thúc đẩy phát triển ngành cà-phê theo hướng chế biến sâu, nhằm tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao giá trị sản phẩm.

Chăm sóc cây cà-phê ở tỉnh Đác Lắc.

Chăm sóc cây cà-phê ở tỉnh Đác Lắc.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay nước ta có 22 địa phương trồng cà-phê với năm vùng sản xuất chính là Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ và trung du miền núi phía bắc. Diện tích cà-phê cả nước đạt 680 nghìn héc-ta; năng suất niên vụ vừa qua đạt 26 tạ/ha; sản lượng cà-phê nhân đạt 1,626 triệu tấn. Trong đó, khu vực Tây Nguyên là vùng sản xuất cà-phê lớn nhất với 597 nghìn héc-ta, chiếm gần 90% diện tích cà-phê cả nước.

Có được kết quả này là nhờ các bộ, ngành và địa phương chủ động nghiên cứu đưa giống mới có năng suất, chất lượng vào sản xuất. Nổi bật là dự án phát triển giống cà-phê từ năm 2000 đến 2020, trong đó chủ yếu là các tỉnh Tây Nguyên. Dự án tập trung nhân giống và chuyển giao nhanh các giống cà-phê có năng suất, chất lượng cao đã được công nhận để sản xuất. Nhiều địa phương xây dựng vườn đầu dòng, vườn ươm cây giống, đáp ứng nhu cầu ghép cải tạo và trồng tái canh, góp phần thúc đẩy phát triển cà-phê bền vững. Các địa phương đã tuyên truyền, tập huấn cho người sản xuất về kỹ thuật thu hái cà-phê; vận động hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết đầu tư xây dựng sân phơi, cơ sở sấy tập trung, từng bước cải thiện chất lượng cà-phê xuất khẩu. Ngoài ra, dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) với 69.000 ha cà-phê canh tác bền vững, áp dụng công nghệ tiên tiến giúp lợi nhuận của nông dân gia tăng. Theo đó, khoảng 63.000 gia đình ở Tây Nguyên được tiếp cận, áp dụng biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững, tái canh cà-phê, thu nhập tăng khoảng 20%.

Thời gian qua, một số địa phương đã trồng cây cà-phê xen cây hồ tiêu, bơ, sầu riêng, điều, mắc-ca, hồng, chanh dây... với diện tích hơn 100 nghìn héc-ta mang lại hiệu quả rõ rệt. Theo thống kê, nếu trồng cà-phê thuần túy chỉ đạt lợi nhuận gần 60 triệu đồng/ha/vụ. Nhưng trồng xen với cây sầu riêng có thể đạt lợi nhuận khoảng 76 đến gần 300 triệu đồng/ha/vụ; trồng cà-phê xen với cây bơ đạt lợi nhuận tăng thêm so với trồng thuần túy khoảng 40 đến 102 triệu đồng/ha/vụ. Vừa qua, Cục Trồng trọt công bố kết quả thí điểm hệ thống thông tin mã số vùng trồng cà-phê tại tỉnh Lâm Đồng và xây dựng kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo. Hệ thống được triển khai thử nghiệm thu thập số liệu với hơn 8.500 hộ trồng cà-phê tại huyện Di Linh. Hệ thống thông tin mã số vùng trồng với cơ sở dữ liệu như sổ tay nông hộ điện tử giúp nông dân quản lý đầu vào sản xuất và các doanh nghiệp truy xuất nguồn gốc, định hướng đầu tư; cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở dữ liệu trong định hướng, phát triển cà-phê bền vững. Từ đó tạo niềm tin cho các doanh nghiệp chế biến và người tiêu dùng về xuất xứ nguồn gốc sản phẩm, sản phẩm chất lượng và an toàn.

Tuy nhiên, việc phát triển cà-phê ở nước ta đang có dấu hiệu tăng nhanh. Bởi theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2020 cả nước có khoảng 600 nghìn héc-ta nhưng nay đã tăng thêm 80 nghìn héc-ta. Trong khi đó, diện tích cà-phê già cỗi còn nhiều với khoảng từ 140 đến 160 nghìn héc-ta. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán khoảng 84 đến gần 90% diện tích sản xuất là của các gia đình cho nên khó tiếp cận nguồn vốn và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Không những vậy, do thu hái chưa đúng khi cà-phê chín, quá trình phơi sấy chưa bảo đảm nên tổn thất trong và sau thu hoạch còn cao; việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong chuỗi sản xuất, chế biến còn lỏng lẻo; hệ thống cung ứng cà-phê phức tạp, nhiều tầng nấc trung gian, dẫn đến tình trạng tranh mua tranh bán và mua bán không theo phẩm cấp, chất lượng...

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, theo Cục Trồng trọt, các địa phương cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu chọn tạo giống cà-phê năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh hại, thích ứng biến đổi khí hậu; chuẩn bị tốt nguồn giống cà-phê bảo đảm chất lượng cho tái canh; nghiên cứu các giải pháp đẩy mạnh cơ giới hóa khâu chăm sóc, thu hái cà-phê; phát triển thị trường tiêu thụ cà-phê trong nước, dự báo thị trường ngoài nước để định hướng cho người sản xuất và doanh nghiệp chế biến. Đồng thời, đẩy mạnh công tác khuyến nông và khuyến công đối với lĩnh vực trồng tái canh, tưới nước tiết kiệm, cơ giới hóa một số khâu chăm sóc, thu hái và chế biến; nhất là khâu sơ chế, bảo quản sản phẩm ở nông hộ; khuyến khích các công ty chế biến xuất khẩu cà-phê đầu tư liên kết với các hộ sản xuất; lập hệ thống đại lý thu mua, củng cố xây dựng hệ thống kho, nhà máy chế biến với dây chuyền công nghệ hiện đại chế biến cà-phê nhân xô đạt tiêu chuẩn, để xuất khẩu trực tiếp cho các nhà tiêu thụ, các nhà rang xay quốc tế…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, xuất khẩu cà-phê tháng 5 năm 2019 đạt 141 nghìn tấn với giá trị 229 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà-phê 5 tháng đầu năm đạt 773 nghìn tấn và 1,32 tỷ USD. Đức và Mỹ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà-phê lớn nhất của Việt Nam.

Bài và ảnh: NGUYÊN PHÚC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/40775202-tang-gia-tri-san-pham-ca-phe.html