Tăng giá trị cho nông sản Việt Nam

Tại Hội nghị toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, được tổ chức cuối tháng 7 vừa qua tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra mục tiêu ngành nông nghiệp trong 10 năm tới đứng vào tốp 15 của các nước phát triển nhất thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản đứng vào tốp 10 thế giới.

Sự tin tưởng, kỳ vọng của Thủ tướng đối với ngành nông nghiệp không phải là không có cơ sở. Suốt 10 năm qua, ngành nông nghiệp luôn duy trì được tăng trưởng và phát triển khá toàn diện. Nhất là từ năm 2013 đến nay, triển khai thực hiện tái cơ cấu theo quyết định của Chính phủ, ngành nông nghiệp đã có những bước thay đổi căn bản theo hướng chuyển mạnh từ số lượng, sang chất lượng và giá trị gia tăng. Sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được quan tâm phát triển… Nhờ vậy tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 10 năm (2008 - 2017) đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm; riêng năm 2017 đạt 36,52 tỷ USD, tăng 20,05 tỷ USD so với năm 2008; dự kiến, năm 2018 kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 40 tỷ USD. Nông sản Việt Nam đã có mặt ở hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ hai các nước khu vực Đông - Nam Á và thứ 16 trên thế giới, góp phần tạo nguồn thu ngoại tệ, giảm nhập siêu cho cả nước.

Có được kết quả nêu trên, ngoài nỗ lực của toàn ngành nông nghiệp, là sự quan tâm của Đảng, Chính phủ đối với lĩnh vực kinh tế hết sức quan trọng của đất nước. Có thể nói, những năm gần đây, lĩnh vực nông nghiệp được đặc biệt quan tâm. Chỉ tính riêng hai năm 2016 - 2017, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành ít nhất 10 nghị định về các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị, tạo dựng thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế… Gần đây nhất Nghị định 57 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, được ban hành tháng 4-2018 được kỳ vọng sẽ nhanh chóng tạo nên nhiều tác động tích cực, thúc đẩy nông nghiệp trong nước phát triển.

Tuy nhiên, để chỉ đạo của Thủ tướng sớm thành hiện thực, chỉ ngành nông nghiệp rất khó tự thân thực hiện. Bởi những hạn chế vẫn tiềm tàng của một nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu, nhất là trong các khâu sản xuất, chế biến sau thu hoạch, đòi hỏi phải có sự tham gia đầu tư lớn của các doanh nghiệp. Đến nay, cả nước mới có khoảng 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chỉ chiếm 8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước, tạo hơn 4,5 triệu việc làm cho lao động nông thôn. Hơn 95% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ.

Vấn đề cần làm ngay lúc này là ngành nông nghiệp tiếp tục tập trung đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến sản phẩm ăn liền; tổ chức cơ giới hóa để giảm tổn thất sau thu hoạch, giảm chi phí và hạ giá thành, tạo ra những sản phẩm nông sản có giá trị gia tăng cao. Đồng hành cùng nhà nông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 57 để các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn có cơ sở được thụ hưởng ngay các chính sách ưu đãi của Chính phủ; Bộ Công thương hoàn thiện sửa đổi các nghị định liên quan đến hoạt động thương mại, nhất là Nghị định 159 về xuất khẩu gạo; kết nối cung - cầu thị trường trong và ngoài nước cho nông sản Việt. Ngành Tài chính nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng mức cho vay, mở rộng đối tượng hưởng chính sách tín dụng…, tạo điều kiện thông thoáng để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay đầu tư phát triển sản xuất nông sản hàng hóa.

LAM NGỌC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/37297402-tang-gia-tri-cho-nong-san-viet-nam.html