Tăng giá điện đúng quy định, quy trình, sao dân tâm tư?

Tăng giá điện không đúng thời điểm cùng với cách tính giá điện bậc thang lũy tiến là những nguyên nhân gây cộng hưởng, khiến người dân bức xúc

TS Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách công nghiệp, Bộ Công thương đã nói như vậy sau khi Bộ Công thương và EVN lên tiếng khẳng định việc tăng giá điện là đúng quy định, quy trình và thời điểm.

TS Dương Đình Giám. Ảnh: Internet

TS Dương Đình Giám. Ảnh: Internet

Đúng quy trình, quy định

PV: Liên quan tới lùm xùm tăng giá điện, trong báo cáo gửi Chính phủ mới đây, Bộ Công thương khẳng định, việc điều chỉnh giá điện vào ngày 20/3 vừa qua là đúng quy định, quy trình, cũng như thời điểm. Bộ này giải thích, hóa đơn tiền điện của nhiều khách hàng tăng trong tháng 4, báo cáo cho hay có 3 nguyên nhân, gồm: sản lượng tiêu thụ tăng do thời tiết nắng nóng; tác động của điều chỉnh giá điện tăng 8,36%; và kỳ ghi chỉ số tháng 4 kéo dài hơn, 31 ngày so với 28 ngày của tháng 3.

Bộ Công thương cho biết, nếu tính đầy đủ chi phí các yếu tố đầu vào thì giá điện bình quân 2019 đáng lẽ phải tăng 9,26% chứ không phải tăng 8,36% như đang thực hiện. Theo đó, Bộ Công thương kiến nghị xử lý việc đưa thông tin xuyên tạc, không đầy đủ khiến dư luận bức xúc.

Thưa ông, cách giải thích của Bộ Công thương như vậy đã hợp lý chưa? Vậy phải hiểu thế nào về những bức xúc của dư luận?

TS Dương Đình Giám: Xét trên góc độ quản lý, Bộ Công thương đang thực hiện đúng chức năng, vai trò, trách nhiệm của mình. Những giải thích của Bộ Công thương căn cứ trên quy trình, quy định đã được cho phép, cụ thể là các quy định tại Luật Điện lực, Quyết định số 24/2017 QĐ-TTg về Cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân; Quyết định số 34/2017 QĐ TTg về Khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân... Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đã có báo cáo trình phương án tăng giá điện trước khi thực hiện phương án điều chỉnh giá điện năm 2019 và đã được đồng ý.

Như vậy, cơ sở để Bộ Công thương thực hiện phương án tăng giá điện hoàn toàn không sai, rất đúng quy định và đúng quy trình.

Việc hóa đơn tiền điện của nhiều khách hàng tăng trong tháng 4 được Bộ Công thương đưa ra 3 nguyên nhân, gồm: sản lượng tiêu thụ tăng do thời tiết nắng nóng; tác động của điều chỉnh giá điện tăng 8,36%; và kỳ ghi chỉ số tháng 4 kéo dài hơn (31 ngày so với 28 ngày của tháng 3) là thực tế, không có gì phải bàn cãi. Trời nắng nóng, người dân dùng điện nhiều, số ngày dài hơn, thêm việc giá điện tăng thì chi phí phải trả tăng là đúng, không có gì sai.

Ngay cả việc Bộ Công thương giải thích, nếu dựa trên các thông số đầu vào, giá điện bình quân 2019 đáng lẽ phải tăng 9,26%, chứ không phải tăng 8,36% như đang thực hiện, cũng không có gì sai. Nếu Bộ Công thương nhận thấy, việc tính toán tăng giá bán điện là cần thiết, phù hợp với cơ chế thị trường, cũng như để đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành điện, của nền kinh tế và xã hội thì phải làm.

Người dân và cả xã hội không bức xúc, không phản ứng chỉ vì Bộ Công thương tăng thêm giá điện là 8,36% hay 9,26%. Vấn đề mà dư luận, xã hội quan tâm là tính công khai, minh bạch, tính hợp lý trong cách tính giá điện hiện nay. Khi các thông số đầu vào chưa được công khai, minh bạch thì dù đưa ra mức giá nào cũng bị cho là mang tính chủ quan, tính toán dựa theo chủ ý của ngành Công thương.

Thêm vào đó, việc áp dụng thời điểm tăng giá điện chưa thật hợp lý, là nguyên nhân cộng hưởng, đẩy bức xúc của dân lên cao hơn, phản ứng mạnh mẽ hơn.

Thực tế, việc tăng giá điện không phải năm nay mới thực hiện. Từ năm 2017, giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh với mức giá mới là 1.720,65 đồng/kWh, tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân trước đó. Tuy nhiên, khi đó dư luận không phản ứng nhiều, do thời điểm thực hiện tăng giá điện được bắt đầu từ 01/12/2017.

Đó là thời điểm mà thời tiết giữa thời điểm trước và sau khi tăng giá điện không có sự chênh lệch, nên không có sự tăng đột biến về lượng điện tiêu dùng của mỗi hộ gia đình và do vậy chi phí tiền điện của mỗi hộ gia đình có tăng lên mấy phần trăm (%) cũng là không đáng kể. Nhưng lần này thì khác, thời điểm tăng giá diễn ra đúng vào đầu mùa nắng nóng (lại là nắng nóng bất thường), khiến sản lượng điện tiêu dùng của mỗi hộ gia đình bị tăng lên đột biến, nên người dân mới phản ứng mạnh mẽ như vậy.

Như vậy, dù nói đã làm đúng quy định, quy trình, nhưng rõ ràng, việc lựa chọn thời điểm tăng giá điện của ngành Công thương là chưa thật sự hợp lý, khiến người dân bức xúc lại càng bức xúc hơn.

PV: Dù khẳng định việc tăng giá điện là đúng quy định, quy trình và thời điểm, nhưng cũng trong báo cáo trên, Bộ Công thương đã đặt vấn đề sửa lại biểu giá điện. Thưa ông, liệu có mâu thuẫn không khi một mặt Bộ khẳng định mọi vấn đề đều đúng, mặt khác lại đồng ý sửa biểu giá điện bậc thang? Như vậy, khẳng định nói trên của Bộ Công thương đã đủ tính thuyết phục hay chưa và ông có bất ngờ về cách phản ứng nói trên hay không?

TS Dương Đình Giám: Việc áp dụng cách tính biểu giá điện sinh hoạt theo 6 bậc lũy tiến, thực tế đã được áp dụng từ nhiều năm nay (từ năm 1994 tới nay). Tại thời điểm xây dựng và áp dụng, biểu giá điện lũy tiến 6 bậc này được cho là phù hợp nhằm một số mục tiêu, như: Bù đắp chi phí sản xuất và có lợi nhuận cho sản xuất, cung ứng điện;

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/tang-gia-dien-dung-quy-dinh-quy-trinh-sao-dan-tam-tu-3380636/