Tăng giá đang phá tăng lương

Theo giới chuyên môn, các cơ quan chức năng cần thực hiện tốt việc kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá… để hạn chế tình trạng 'tăng giá theo tăng lương'...

Lương cơ sở vừa mới được điều chỉnh tăng từ 1,3 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng, tức tăng thêm 90.000 đồng/tháng (tương đương tăng khoảng 6,9%). Thế nhưng niềm vui tăng lương đã vơi đi ít nhiều khi mà giá nhiều mặt hàng sinh hoạt thiết yếu có mức tăng khá cao so với cách đây một năm, trong khi những mặt hàng này chiếm gần hết quỹ lương của đội ngũ cán bộ, công chức.

Các cơ quan chức năng cần thực hiện tốt việc kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường

Đơn cử như giá thực phẩm - những mặt hàng chiếm một tỷ trọng khá lớn trong ngân sách chi tiêu hàng tháng của mỗi hộ gia đình vẫn đang có xu hướng tăng, không loại trừ hiện tượng tăng giá theo tăng lương. Theo ghi nhận từ thị trường vào ngày 30/6 tức là trước khi mức lương mới được áp dụng, giá lợn hơi trong khu vực miền Bắc đã tăng khoảng 1.000 đồng/kg.

Cụ thể, tại Ninh Bình, giá lợn hơi báo tăng nhẹ trở lại 49.000 đồng/kg ngay sau khi giảm xuống còn 48.000 đồng trong ngày 29. Thái Nguyên cũng ghi nhận mức tăng tương tự lên 50.000 đồng/kg. Chỉ duy nhất tại Hải Dương, giá lợn hơi ngược lại báo giảm 1.000 đồng xuống 49.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại giá lợn hơi không có nhiều thay đổi.

Tuy nhiên tới thời điểm này, giá lợn hơi lại tăng mạnh từ 500-3.000 đồng/kg, trong đó miền Bắc đã ghi nhận kỷ lục mới 55.000 đồng/kg. Cụ thể, tại Bắc Giang và Hưng Yên, giá lợn hơi tăng thêm 1.000 đồng/kg lên 55.000 đồng/kg. Các địa phương khác như Hải Dương cũng tăng 1.000 đồng lên 54.000 đồng; Hà Nam, Nam Định tăng ít hơn, khoảng 500 đồng, lên 53.500 đồng/kg… Trong khi đó, theo báo điện tử Dân Việt, giá lợn hơi các nước lân cận như Trung Quốc, Thái Lan chỉ trên dưới 40.000 đồng/kg.

Một quan chức Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng thừa nhận, giá lợn hơi trong nước hiện nay đang ở mức cao hơn so với giá thế giới, với giá này người nông dân đang có lãi cao. “Trước tình trạng giá heo hơi tăng cao như hiện nay, Cục Chăn nuôi cũng đã rà soát và ghi nhận thông tin đầy đủ. Chúng ta không nên để giá heo tăng cao hơn nữa bởi mức giá hiện nay đang thể hiện những bất ổn về thị trường vĩ mô. Chúng ta cũng không loại trừ hiện tượng đầu cơ, làm giá, có thể dẫn đến các hệ lụy xấu”, vị này cho biết.

Giá lợn hơi tăng cao dẫn đến giá thịt lợn bán tại các chợ cũng tăng lên bất thường, chẳng hạn tại chợ Nhổn, giá thịt lợn các loại cũng tăng trên dưới 30% so với thời điểm giá những tháng trước đó. Cụ thể, thịt ba chỉ có giá từ 90.000 - 100.000 đồng/kg; thịt nạc vai giá từ 80.000 - 100.000 đồng/kg, chân giò có giá từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, sườn non 100.000 - 110.000 đồng/kg...

Chị Chung – một tiểu thương tại chợ cho biết thêm, thời gian gần đây giá thu mua lợn hơi tại các trang trại rất cao, nhiều khi còn không gom đủ hàng bán. Rất nhiều thương lái vào trang trại thu mua và còn trả giá cao hơn mức giá thị trường hiện tại rất khó khăn trong việc thu mua mà làm giá với nhà đàn.

Không riêng gì các mặt hàng thịt lợn tươi sống tại chợ tăng giá mạnh. Các thực phẩm chế biến từ thịt lợn cũng tăng cao.

Cụ thể, thịt lợn quay giá từ 200.000 - 220.000/kg, chân giò rút giá từ 150.000 - 180.000/kg; nem tai giá từ 150.000 - 180.000 đồng/kg; giò lụa có giá từ 120.000 - 140.000 đồng/kg… Các mức giá này cao hơn khoảng 30.000-40.000 đồng/kg so với trước đây.

Thực hiện khảo sát tại chợ Châu Long – Hà Nội, một phần cũng do tiết trời nắng nóng, nên nhu cầu rau, củ, trái cây của người dân cũng tăng hơn bình thường. Vì vậy, giá của những mặt hàng này cũng tăng nhẹ.

Giá thực phẩm đã vậy, mấy tháng tới người lao động lại có thêm nỗi lo học phí tăng, trong khi giá nhiều mặt hàng văn phòng phẩm, đồ dùng học tập cũng “té nước theo mưa” trước mỗi mùa tựu trường. Rồi còn giá xăng dầu, giá gas…

Trước thực trạng giá cả nhiều mặt hàng tăng bất thường trong thời gian qua, một trong những biện pháp điều hành giá cả kiểm soát lạm phát được Bộ Tài chính đề ra là: Tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để kịp thời đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn giá cả thị trường nhất là đối với các mặt hàng giá thị trường có xu hướng tăng cao trong thời gian gần đây như xăng dầu, lương thực, thịt lợn...

Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, các cơ quan chức năng cần thực hiện tốt việc kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá… để hạn chế tình trạng “tăng giá theo tăng lương”. Chỉ có như vậy, người lao động mới được hưởng trọn vẹn niềm vui tăng lương.

Minh Uyên

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/tang-gia-dang-pha-tang-luong-77986.html