Tăng dư địa phát triển cho Cần Thơ

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, năm 2019, Sở cấp mới đăng ký kinh doanh cho 1.500 doanh nghiệp (DN) các loại hình, vốn đăng ký 11.500 tỉ đồng; so với năm 2018 tăng gần 53,3% về vốn đăng ký và 7,37% về số DN. Song, trong 5 tháng đầu năm 2020, thành phố chỉ có 506 DN thành lập mới, tổng vốn đăng ký hơn 2.718 tỉ đồng; bằng 86,49% về số DN và 49,97% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài ra, thành phố thu hút thêm 3 dự án FDI mới với tổng vốn đầu tư đăng ký 202.000USD, nhưng chấm dứt hoạt động đến 7 dự án, vốn đăng ký 1,42 triệu USD. Trong khi số DN và chi nhánh, văn phòng đại diện tạm ngừng hoạt động có thời hạn, ngưng hoạt động, giải thể, bỏ địa chỉ kinh doanh đến 705 đơn vị.

Một trong những nguyên nhân tác động đến kết quả thu hút đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh được chỉ ra là do dịch COVID-19. Theo kết quả khảo sát 1.600 DN đang hoạt động trên địa bàn thành phố của Cục Thống kê, có tới 73,72% DN được khảo sát cho biết phải đối mặt với khó khăn do dịch COVID-19; trong đó, 66,67% DN không xuất khẩu được hàng hóa; 51,02% thị trường tiêu thụ trong nước bị thu hẹp và nguồn thu không đủ bù đắp chi phí chiếm 52,46% tổng số DN được khảo sát. DN còn thiếu hụt nguồn vốn sản xuất, kinh doanh; thiếu nguyên liệu sản xuất (cả trong nước và nhập khẩu); đóng cửa, không sản xuất kinh doanh và không tuyển được lao động. Song song đó, hàng chục ngàn hộ kinh doanh cũng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Những tác động tiêu cực này đã kéo theo 27.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Có thể nói, tác động tiêu cực của dịch bệnh đã làm trì trệ sản xuất kinh doanh và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế- xã hội của thành phố. Song, các chuyên gia kinh tế cho rằng, dư địa phát triển của TP Cần Thơ còn rất nhiều do hiện tại kinh tế thành phố vẫn dựa vào đầu tư làm điểm tựa tăng trưởng, trong khi các nguồn lực khác chưa khai thác đúng mức. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chất lượng tăng trưởng nền kinh tế và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thành phố chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vai trò là trung tâm động lực của vùng. Môi trường đầu tư chưa thực sự hấp dẫn, huy động nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn. DN đa phần quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chưa có DN lớn có ảnh hưởng chung đến sự phát triển của thành phố...

Thành phố đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 12.000 DN hoạt động, nhưng trên thực tế thì con số này khó đạt được. TP Cần Thơ hiện có 8.562 DN và 1.925 chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động, vốn đăng ký 78.200 tỉ đồng. Tổng số DN của thành phố chiếm khoảng 26% tổng số DN vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thành phố hiện có 77.765 hộ kinh doanh, đây là nguồn lực quan trọng để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi mô hình hoạt động lên DN. Muốn làm được điều này và thu hút thêm các nguồn lực đầu tư từ DN, thành phố cần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, khuyến khích DN đổi mới công nghệ, xây dựng DN dẫn đầu ngành hàng chủ lực để tạo sức lan tỏa và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ; nhất là hạ tầng giao thông phục vụ cho phát triển kinh tế của Cần Thơ và kết nối với các địa phương vùng ĐBSCL.

Song Nguyên

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/tang-du-dia-phat-trien-cho-can-tho-a122510.html