Tăng đột biến số người mắc cúm, sởi, khan hiếm vaccine và thuốc điều trị cúm

Những ngày gần đây, số người mắc sởi và cúm mùa tăng đột biến. Đặc biệt là đã có những bệnh nhân tử vong vì cúm biến chứng.

PGS.TS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới của Bệnh viện Bạch Mai kiểm tra tình trạng sức khỏe cho bệnh nhân cúm

PGS.TS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới của Bệnh viện Bạch Mai kiểm tra tình trạng sức khỏe cho bệnh nhân cúm

Bệnh nhân cúm và sởi nhập viện tăng cao

Theo PGS.TS. Đỗ Duy Cường, Trung tâm bệnh nhiệt đới của Bệnh viện (BV) Bạch Mai, khoảng vài tuần trở lại đây số bệnh nhân vào Trung tâm khám và điều trị vì các bệnh cúm, sởi, thủy đậu... tăng nhanh, đặc biệt là cúm. Những người phải nhập viện đều trong tình trạng nặng có biến chứng suy hô hấp hoặc đã mắc các bệnh khác, như tim phổi mạn, suy thận, đái tháo đường, có thai.. Bên cạnh những người bị cúm nhẹ được điều trị ngoại trú, ngày nào cũng vài trường hợp cúm nặng phải nhập viện.

Chiều chủ nhật 21/4, chúng tôi đến Trung tâm bệnh nhiệt đới, cũng là lúc ông Nguyễn Mạnh C. (61 tuổi, ở Lào Cai) đang điều trị ở phòng cấp cứu với chẩn đoán viêm phổi nặng do cúm trên nền bệnh xơ gan, tiểu đường. Bác sĩ cho biết ông đang phải thở máy, mặc dù điều trị tích cực mấy ngày qua nhưng không thể qua khỏi, nên gia đình xin về.

PGS.TS. Đỗ Duy Cường kiểm tra bệnh cho bệnh nhân bị cúm biến chứng khó qua khỏi

PGS. Cường cho biết, trong vòng 3 tháng qua, Trung tâm đã tiếp nhận điều trị 170 bệnh nhân cúm, đặc biệt gia tăng trong những ngày gần đây. Trong số 35 bệnh nhân người lớn đang điều trị các bệnh lây qua đường hô hấp, có hơn 20 bệnh nhân cúm, đặc biệt có 4 bệnh nhân cúm rất nặng phải thở máy. "Thời tiết đang nóng tới 40 độ như hiện nay mà vẫn xảy ra cúm và còn tăng cao là điều đáng ngạc nhiên"- ông Cường chia sẻ.

Trong khi đó, số ca mắc sởi cũng tăng nhanh ở cả người lớn và trẻ em. Số bệnh nhân sởi ở Hà Nội tăng vọt. Còn nhớ vụ dịch sởi năm 2014 từng khiến cả nước âu lo thì Trung tâm bệnh nhiệt đới (khi đó là Khoa Truyền nhiễm) cũng chỉ tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2019, Trung tâm đã tiếp nhận gần 100 ca sởi đều trong tình trạng nặng. Tổ chức Y tế Thế giới cũng cảnh báo dịch sởi bùng phát ở nhiều nơi trên thế giới với quy mô kỷ lục.

Bệnh viện quá tải

Điều đáng lưu ý là do BV luôn trong tình trạng quá tải, một số khoa phải nằm ghép nên đã xuất hiện bệnh nhân lây nhiễm cúm trong quá trình điều trị. Riêng Trung tâm Huyết học và Truyền máu có tới hơn chục bệnh nhân cúm, phải chuyển sang Trung tâm bệnh nhiệt đới để điều trị. Nhiều bệnh nhân đang chữa bệnh tim mạch, hô hấp, huyết học, thận tiết niệu… thì phát hiện mắc cúm, cũng phải đưa sang Trung tâm bệnh Nhiệt đới, khi ổn định mới quay trở lại Khoa ban đầu.

Thăm người nhà đang điều trị tại Trung tâm bệnh nhiệt đới, điều khiến chúng tôi vô cùng lo lắng khi thấy bệnh nhân cúm nằm chung với bệnh nhân thủy đậu, sởi, quai bị. Trong khi các bệnh này có khả năng lây truyền cao, là nguy cơ lây nhiễm chéo trong BV. Với những bệnh nhân đang có bệnh nặng, thì nguy cơ rất lớn đến sức khỏe, thậm chí tính mạng cùa họ. Thực tế, ở Trung tâm đã có 3-4 ca mắc cúm, thủy đậu tử vong trên nền bệnh khác.

Thiếu vaccine và thuốc Tamiflu

Theo PGS.TS. Đỗ Duy Cường, các ca mắc bệnh cúm năm nay chủ yếu là cúm mùa như cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B. Cúm mùa mắc nhiều, dễ lây từ người sang người, tỷ lệ tử vong ít, nhưng nếu người đang có bệnh khác mà mắc thì tỷ lệ tử vong cao hơn. Riêng cúm gia cầm A/H5N1 tuy không lây từ người sang người nhưng khi mắc thì tỷ lệ tử vong cao.

Khó khăn hiện nay là bệnh nhân đông, nên lây nhiễm cúm trong BV lẽ ra phải cách ly, nhưng do cơ sở vật chất hạn chế, nên bệnh nhân cúm nằm chung với người mắc các bệnh khác, khiến việc điều trị càng khó khăn.

Số người mắc sởi đang gia tăng

Theo PGS.TS. Đỗ Duy Cường, do khí hậu chuyển mùa nên các bệnh dịch lây qua đường hô hấp gia tăng. Ngoài ra, việc chẩn đoán các bệnh sởi, thủy đậu, rubella, sốt phát ban rất hay nhầm lẫn với di ứng thuốc. Vì thế, nhiều bệnh nhân điều trị dị ứng nhiều nơi không đỡ rồi mới phát hiện bị sởi thì đã muộn, thậm chí tử vong do biến chứng.

"Các loại bệnh trên đều có vaccine phòng bệnh, vì vậy, người dân cần đưa trẻ đi tiêm đầy đủ và đúng lịch. Người lớn cũng phải tiêm vaccine nhắc lại theo định kỳ của từng mũi. Khi thấy có dấu hiệu sốt phát ban phải gặp bác sĩ để được tư vấn" - TS. Cường cảnh báo.

Một vấn đề cũng đáng lo ngại là trong khi dịch bệnh vào mùa, thì rất nhiều cơ sở tiêm chủng đã thiếu vaccine cúm. Khi chúng tôi gọi điện hỏi, có cơ sở chỉ còn 4 liều, có nơi đã "sạch bách". Trên thị trường, cả vaccine cúm lẫn thuốc điều trị Tamiflu cũng khan hiếm. Vì thế, giá cả loại thuốc này đang rất khác nhau, có nơi chỉ vài chục nghìn/viên, có nơi bán tới 500.000đ/viên. Vaccine cúm là vaccine dịch vụ, nên quyết định nhập về hay không là do các doanh nghiệp.

Ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng lo lắng dịch sởi, quai bị, ho gà có thế tiếp tục gia tăng, do nhiều người dân từ chối tiêm vaccine cho trẻ, cũng như các loại vaccine dịch vụ đang bị thiếu hụt ở nhiều nơi.

Thanh Hằng

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/tang-dot-bien-so-nguoi-mac-cum-soi-khan-hiem-vaccine-va-thuoc-dieu-tri-cum-351165.html