Tăng độ che phủ rừng: Không chỉ dừng ở số lượng

Sáng ngày 19/11, Liên Hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Hội thảo góp ý cho Dự thảo Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Trong đó, mục tiêu tăng độ che phủ rừng không chỉ dừng ở số lượng được chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh.

Dự thảo Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 do Tổng cục Lâm nghiệp xây dựng đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5 - 5,5%/năm giai đoạn 2021- 2021 và duy trì ổn định đến năm 2030. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt 18-20 tỷ USD vào năm 2025; đạt 23 - 25 tỷ USD vào năm 2030. Tiêu thụ lâm sản thị trường trong nước đạt 5 tỷ USD vào năm 2025, trên 6 tỷ USD vào năm 2030. Phát triển các dịch vụ môi trường rừng, đa dạng hóa và mở rộng các nguồn thu, thu dịch vụ môi trường rừng đạt 3.500 tỷ đồng/năm đến năm 2025, trên 4.000 tỷ đồng/năm vào năm 2030….

Cùng với các mục tiêu về kinh tế, mục tiêu môi trường và xã hội cũng được đề ra cụ thể. Theo đó, tỷ lệ che phủ rừng duy trì 42% vào năm 2025 và ổn định ở mức 43% vào năm 2030; đến năm 2025 và năm 2030, số vụ vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ rừng không tăng so với năm 2020; đến năm 2025 diện tích cây xanh đô thị bình quân 5m2/người và đến năm 2030 là 10m2/người; tỷ lệ lao động làm việc trong lâm nghiệp được đào tạo đạt 40% vào năm 2025 và 45% vào năm 2030; đến năm 2025 có 50% và đến năm 2030 có 80% số hộ miền núi, người dân tộc thiểu số sống ở vùng có rừng tham gia sản xuất kinh doanh lâm nghiệp hàng hóa hoặc các dịch vụ…

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, góp ý cho Dự thảo Chiến lược. Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ tiêu chứng chỉ rừng bền vững, trong dự thảo đặt ra vẫn quá thấp, không đáp ứng yêu cầu quản lý trong thời gian tới. Ngành lâm nghiệp cần hướng tới mục tiêu rừng cung cấp lâm sản cơ bản phải quản lý rừng bền vững. Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát lại các chỉ tiêu trong dự thảo chiến lược để tạo động lực cũng như tính khả thi thực hiện cao như: tốc độ tăng trưởng lâm nghiệp; dịch vụ môi trường rừng, chứng chỉ rừng bền vững... Đồng thời, cần có các chỉ tiêu cụ thể về nâng cao chất lượng rừng. Cần đánh giá kỹ hơn những cơ chế, chính sách trong giai đoạn qua để thấy rõ các chính sách có tác động, ảnh hưởng thế nào đến phát triển ngành lâm nghiệp.

Phát biểu tại hội thảo, TSKH. Nghiêm Vũ Khải - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam - cho rằng, tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn. Trong đó, giai đoạn khó khăn nhất độ che phủ rừng của Việt Nam chỉ đạt trên 30%, năm 2019 đạt 41,89%, ước năm 2020 sẽ đạt 42%. Độ che phủ rừng là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong Chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội quốc gia. Tuy nhiên, độ che phủ rừng là một chuyện, chất lượng rừng lại là một chuyện khác.

“Những năm khó khăn trước đây, rừng có rất nhiều tầng gồm: cây tầng trung, tầng cao và tầng thấp. Tôi chứng kiến những trận mưa rừng rất lớn, sau vài tiếng đồng hồ thì mới bắt đầu ngấm ra các con suối nhỏ, sau đó mới ngấm ra sông. Độ che phủ rừng đạt 42% là con số đáng khích lệ. Tuy nhiên, chất lượng rừng lại là vấn đề”, ông Nghiêm Vũ Khải nói.

Hoạt động bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm giảm thiểu những tác động do biến đổi khí hậu và tình trạng nước biển dâng. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, khi đề cập đến vấn đề sạt lở đất, lũ lụt miền Trung, nhiều ý kiến cho rằng ngoài nguyên nhân khách quan thì một trong những nguyên nhân chủ yếu là chất lượng, độ che phủ rừng còn hạn chế, rừng nguyên sinh bị tàn phá thay bằng rừng tái sinh và rừng trồng. Do đó, song song với việc tăng độ che phủ rừng, thì tại Dự thảo Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam cần nhấn mạnh vấn đề nâng cao chất lượng của độ che phủ rừng.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tang-do-che-phu-rung-khong-chi-dung-o-so-luong-147759.html