Tăng điểm sàn 2 khối ngành rất quan trọng

Ngưỡng bảo đảm đầu vào (điểm sàn) các ngành sức khỏe từ 19 đến 22 điểm; các ngành sư phạm trình độ ĐH là 18,5 điểm. Như vậy, cả hai khối ngành điểm sàn đều tăng so với năm 2019

Hội đồng tư vấn xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào trình độ ĐH đối với các ngành sức khỏe có chứng chỉ, hành nghề năm 2020 đã có cuộc họp trong ngày 17-9 để đi đến thống nhất ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào.

Y, dược quan trọng nhất là đầu ra

Theo đó, ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào từ điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh nhóm ngành sức khỏe có chứng chỉ, hành nghề trình độ ĐH năm 2020 cao nhất là 22 (y khoa, răng hàm mặt), 21 đối với các ngành dược, y học cổ truyền và thấp nhất là 19 đối với các ngành còn lại.

Đánh giá về ngưỡng điểm sàn sức khỏe năm 2020, GS-TS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, cho rằng việc tăng ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào của khối ngành sức khỏe so với năm ngoái (năm 2019 điểm sàn khối sức khỏe từ 18-21 điểm) là hợp lý, bảo đảm mặt bằng chung tuyển sinh giữa các trường ĐH nhóm công lập và nhóm ngoài công lập. Theo GS Tạ Thành Văn, ngưỡng điểm sàn không có quá nhiều ý nghĩa với Trường ĐH Y Hà Nội bởi năm nào điểm trúng tuyển vào trường cũng cao hơn nhiều so với mức điểm sàn. Tuy nhiên, với các trường khác, nhất là khối dân lập đây là việc quan trọng, quyết định số lượng thí sinh trúng tuyển và quyết định sự phát triển của các trường.

Điểm sàn ngành dược là 21 điểm sẽ giúp các trường có nguồn tuyển dồi dào

Điểm sàn ngành dược là 21 điểm sẽ giúp các trường có nguồn tuyển dồi dào

Đồng tình với phương án điểm sàn được hội đồng thống nhất, TS Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), cho rằng mức điểm sàn khối sức khỏe là hợp lý. TS Phạm Văn Tác nói thêm với mức điểm này, những trường tốp dưới không khó khăn hay lo lắng trong tuyển sinh vì nguồn tuyển lớn.

Ông Phạm Văn Tác cũng cho biết thêm tới đây, các trường tốp dưới sẽ phải cố gắng vì sẽ có hệ thống thi và cấp chứng chỉ hành nghề theo năng lực. Nếu học xong không được cấp chứng chỉ sẽ không được hành nghề. "Quá trình đào tạo mới là yếu tố quan trọng và quyết định" - TS Tác khẳng định.

GS-TS Tạ Văn Thành cũng nhấn mạnh đầu vào chỉ là một bước, quá trình đào tạo mới quan trọng, sản phẩm bác sĩ, nhân viên y tế sẽ do quá trình đào tạo quyết định. PGS-TS Trần Công Luận, Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Đô, có chung quan điểm đầu ra mới là quan trọng. Ông cho rằng đầu ra để đủ tư cách hành nghề sẽ còn phải trải qua quá trình sát hạch với nhiều điều kiện quan trọng.

Sư phạm: Thu hút thí sinh chất lượng

Ngưỡng bảo đảm chất lượng các ngành sư phạm trình độ ĐH được xác định là 18,5 điểm (năm 2019 là 18 điểm). Riêng đối với các ngành giáo dục thể chất, huấn luyện thể thao, sư phạm âm nhạc và sư phạm mỹ thuật thấp hơn ngưỡng bảo đảm chất lượng chung là 1 điểm. Điểm xét tuyển vào ngành giáo dục mầm non trình độ CĐ năm 2020 là 16,5 điểm (năm 2019 là 16 điểm)

Nhận xét về mức điểm sàn này, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ Hà Thanh Toàn cho rằng đây là mức hợp lý, bởi năm nay điểm thi tốt nghiệp THPT tăng hơn so với năm ngoái và trên tinh thần phải thu hút những thí sinh có chất lượng vào học sư phạm. "Đối với đào tạo sư phạm, yêu cầu đầu tiên là bảo đảm chất lượng, song cũng cần cân đối, hài hòa với nhu cầu sử dụng của địa phương, trong bối cảnh đang đổi mới giáo dục phổ thông, nếu chúng ta không đào tạo từ bây giờ thì 4 năm sau sẽ không đủ giáo viên để phục vụ cho đổi mới" - ông Hà Thanh Toàn nói.

Bà Nguyễn Vũ Bích Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng mức điểm 18,5 sẽ giúp các trường có nguồn đầu vào chất lượng và cũng không làm khó cho những ngành tuyển dụng ít thí sinh dôi dư. Đây mới chỉ là mức sàn, tùy điều kiện tiêu chuẩn của từng trường, từng ngành mà mức chuẩn đầu vào cho từng ngành sẽ điều chỉnh tăng lên hay giữ nguyên.

Ông Đào Đăng Phượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật trung ương, đánh giá cao việc Bộ GD-ĐT đã đưa ra ngưỡng bảo đảm chất lượng trình độ ĐH các ngành giáo dục thể chất, huấn luyện thể thao, sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật. Ông Phượng cho hay năm ngoái khi điểm sàn "cào bằng", nhiều em có điểm văn hóa cao, điểm năng khiếu thấp vẫn trúng tuyển. Trong khi qua phân tích, các em có nhu cầu thi vào các trường năng khiếu thường có điểm thi tốt nghiệp thấp hơn mặt bằng chung, do các em tập trung cho rèn luyện năng khiếu. "Việc xác định điểm sàn của ngành âm nhạc, thể thao thấp hơn điểm sàn chung khối ĐH 1 điểm là rất khoa học, thuận lợi cho các trường trong công tác tuyển sinh" - ông Phượng nói.

Các trường đào tạo y, dược công bố điểm sàn

Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn khối ngành sức khỏe, nhiều trường ĐH đã công bố điểm sàn xét tuyển vào các ngành.

Tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, điểm sàn xét tuyển vào các ngành thuộc khối sức khỏe bằng với điểm sàn của Bộ GD-ĐT. Cụ thể, ngành y khoa 22 điểm, dược học 21 điểm; điều dưỡng, y học dự phòng, kỹ thuật xét nghiệm y học cùng 19 điểm.

Trường ĐH Công nghệ TP HCM (HUTECH) xác định mức điểm sàn vào ngành dược học của trường được trường công bố là 21 điểm.

Tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, mức điểm sàn vào các ngành y khoa, răng hàm mặt 22 điểm; dược học 21 điểm; các ngành kỹ thuật xét nghiệm y học, điều dưỡng, kỹ thuật phục hồi chức năng 19 điểm. Ngoài ra, trường cũng công bố điểm sàn ngành giáo dục mầm non 18,5 điểm, giáo dục thể chất: 17,5 điểm.

Trường ĐH Tân Tạo cũng công bố mức điểm sàn ngành y khoa, điều dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm y học bằng với điểm sàn của Bộ GD-ĐT.

Khoa Y - ĐHQG TP HCM công bố điểm sàn ngành y khoa chất lượng cao: 22 điểm.

Ngành dược học chất lượng cao: 21 điểm.

Ngành răng - hàm - mặt chất lượng cao: 22 điểm.Ngưỡng điểm trên bao gồm điểm thi của tổ hợp môn B00 và điểm ưu tiên (nếu có). Theo quy định của Bộ GD-ĐT, từ ngày 19-9, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng. Theo đó, điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến là 7 ngày (từ ngày 19 đến 25-9) và điều chỉnh nguyện vọng bằng phiếu là 9 ngày (từ ngày 19 đến 27-9).

H.Lân

Tư vấn trực tuyến: "Điểm sàn và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển"

Trong khuôn khổ chương trình "Đưa trường học đến thí sinh 2020", Báo Người Lao Động tổ chức tư vấn trực tuyến với chủ đề "Điểm sàn và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển" vào lúc 14 giờ ngày 18-9, tại địa chỉ: www.nld.com.vn.

Khách mời giao lưu trực tuyến gồm:

- TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM.

- TS Phan Lê Quốc, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP HCM.

- ThS Nguyễn Ngọc Hà, Phó trưởng Phòng Quản lý Đào tạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

- ThS Phùng Quán, Trưởng Phòng Thông tin Truyền thông Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP HCM).

- ThS Nguyễn Anh Vũ, Trưởng Phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP HCM.

Các chuyên gia về tuyển sinh sẽ nhận định về điểm sàn khối y dược, sư phạm cùng điểm sàn các trường ĐH sẽ tác động thế nào đến điểm chuẩn và khả năng trúng tuyển vào ĐH của thí sinh đã đăng ký xét tuyển. Bên cạnh đó, các chuyên gia sẽ tư vấn về việc điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển thế nào để có cơ hội trúng tuyển cao. Ngoài ra, thí sinh cũng sẽ được tư vấn về chọn ngành nào phù hợp với mức điểm, khả năng, sở thích...

Chương trình sẽ được tường thuật trực tuyến trên Báo Người Lao Động online từ 14 giờ ngày 18-9. Mời bạn đọc đón theo dõi.

G.Thùy

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Bài và ảnh: Yến Anh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/tang-diem-san-2-khoi-nganh-rat-quan-trong-20200917204706785.htm