Tăng đàn gia súc, gia cầm sau dịch bệnh

* Nguy cơ cháy rừng tại nhiều địa phươngNgay sau khi khống chế được dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã nhanh chóng nuôi tái đàn lợn. Chỉ sau ba tháng, tỉnh đã tái đàn được hơn 630.000 con, bằng 74% tổng đàn so với thời điểm trước khi xảy ra DTLCP là 835.000 con; trong đó, có khoảng 450.000 con lợn thịt với tổng lượng thịt cung cấp ra thị trường khoảng 90.000 con/tháng (tương đương khoảng gần 9.000 tấn thịt hơi). Vì vậy, lượng thịt cung cấp cho thị trường của tỉnh được bảo đảm.

* UBND huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) cho biết, đã công bố hết DTLCP trên địa bàn xã Xuân Lôi. Đây cũng là địa phương cuối cùng của tỉnh công bố hết DTLCP. Như vậy, toàn huyện Lập Thạch có 16/16 xã, thị trấn có dịch đã công bố hết dịch.

* Thanh Hóa đã hết DTLCP nên các hộ chăn nuôi, doanh nghiệp đang khôi phục đàn lợn theo hướng tổ chức chăn nuôi an toàn sinh học. Quý I năm nay, có 1.500 cơ sở chăn nuôi của tỉnh đã tái nuôi 82.000 con lợn; trong đó các tập đoàn, các công ty chăn nuôi nhập 33.000 con lợn, còn lại lợn giống được cung ứng từ các cơ sở sản xuất trong tỉnh.

* Dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên địa bàn huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã được khống chế. Toàn bộ 21 xã, thị trấn có gia súc mắc bệnh đã qua 21 ngày không có ổ dịch nào phát sinh. Tất cả gia súc mắc bệnh với hơn 1.700 con đã khỏi hoàn toàn triệu chứng của bệnh. Huyện chỉ đạo các ngành chức năng và UBND các xã, thị trấn thực hiện tiêm phòng vắc-xin LMLM đợt 1 năm 2020, đồng thời tăng cường giám sát dịch bệnh.

* Nghệ An hiện có đàn trâu 271.610 con, giảm 0,74% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò 471.355 con, tăng 1,33% so với cùng kỳ; đàn lợn 864.515 con, giảm 16,70% so với cùng kỳ. Tỉnh yêu cầu ngành nông nghiệp thành lập các đoàn công tác để hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương trong việc triển khai các giải pháp phòng, chống dịch; xây dựng phương án kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y bảo đảm thực thi tốt nhiệm vụ.

* Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau cho biết, hiện tại, lâm phần rừng tràm và rừng các cụm đảo trên địa bàn tỉnh (43.500 ha) của tỉnh Cà Mau đã có hơn 37.600 ha báo cháy cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm), chiếm hơn 86,4% tổng diện tích rừng ngập ngọt của tỉnh. So với tuần liền trước đó, diện tích báo cháy cấp cao nhất đã tăng thêm hơn 1.850 ha. Mặc dù, tỉnh đang quyết liệt trong công tác phòng, chống cháy rừng mùa khô, nhưng lo nhất hiện nay là kênh rạch khô cạn, nguy cơ cao thiếu nước chữa cháy nếu có cháy lớn.

* Trước tình hình nắng nóng kéo dài, độ ẩm trong các khu rừng xuống thấp làm tăng nguy cơ cháy rừng, tỉnh Hậu Giang vừa nâng mức cảnh báo cháy rừng từ cấp IV (cấp nguy hiểm) lên cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) từ ngày 23-3. Hiện nay, diện tích rừng trong tỉnh là hơn 2.800 ha. Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có nắng nóng làm lớp thực bì ở các vùng trọng điểm tại các khu rừng rất khô, độ ẩm bình quân trên nền rừng xuống thấp, ở mức dưới 15% nên nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao.

* Ngày 24-3, Văn phòng UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, tỉnh vừa ban hành quyết định về việc phê duyệt phương án phòng cháy, chữa cháy rừng và truy quét chống phá rừng năm 2020 của Ban quản lý Vườn quốc gia Phước Bình, huyện Bác Ái và Ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa, huyện Ninh Hải, với kinh phí gần 800 triệu đồng. Theo đó, yêu cầu các đơn vị tổ chức rà soát, xác định vùng trọng điểm về cháy rừng, phá rừng và khai thác, vận chuyển, kinh doanh lâm sản trái pháp luật, để thực hiện các biện pháp ngăn chặn có hiệu quả, không để xảy ra điểm nóng và hạn chế, giảm 20% số vụ rừng bị cháy, bị phá so với năm 2019.

* Ngày 24-3, Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, đã tiến hành xả nước qua tràn hồ Dầu Tiếng xuống sông Sài Gòn để đẩy mặn. Đây là đợt thứ sáu trong năm 2020 hồ Dầu Tiếng xả nước nhằm đẩy mặn cho Nhà máy nước Tân Hiệp lấy nguồn nước từ sông. Thời gian xả nước qua tràn diễn ra từ 7 giờ ngày 24-3 đến 13 giờ ngày 25-3 với lưu lượng 100 m3/giây; tổng lượng xả 10,8 triệu m3. Việc xả nước với lưu lượng này không gây ngập úng các xã, phường ven sông Sài Gòn.

* Khoảng một tháng nay, hơn 1.000 hộ dân ở xã Long Hải, huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) thiếu nước sinh hoạt. Người dân phải đi lấy nước tại một số hộ có giếng khoan hoặc mua nước sinh hoạt với giá 120.000 đồng/m3. Huyện Phú Quý đã tích cực vận động các gia đình có giếng khoan trên địa bàn cung cấp nước miễn phí cho người dân 24/24 giờ. Mặt khác, vận động người dân trên đảo sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, không sử dụng nước sạch (do nhà máy nước cung cấp) để tưới cây.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43761002-tang-dan-gia-suc-gia-cam-sau-dich-benh.html