Tăng đại biểu chuyên trách HĐND Hà Nội: Phù hợp với vị thế, vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô

Chiều 1/4, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Mười một, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.

Đề xuất tăng 9 đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách

Trình bày Tờ trình, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, thành phố Hà Nội đề nghị, tổng số đại biểu chuyên trách của HĐND thành phố nhiệm kỳ 2021 - 2026 là 19 đại biểu. HĐND quận, huyện, thị xã và HĐND xã, thị trấn thực hiện việc bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (có từ 5 - 6 đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách). Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Chính phủ thống nhất với đề nghị của thành phố Hà Nội về việc tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026 như đã nêu ở trên.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp

Chính phủ nhận thấy, nội dung đề nghị của thành phố Hà Nội không làm tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố Hà Nội (theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019 là 95 đại biểu), mà chỉ tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách, tăng một số chức danh lãnh đạo của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026 (khi tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố nhiệm kỳ 2021 - 2026 thì phải giảm số cán bộ, công chức ở các cơ quan của thành phố Hà Nội để bảo đảm tổng biên chế hành chính của thành phố Hà Nội giữ nguyên).

Mặt khác, việc đề xuất tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội chỉ thực hiện trong nhiệm kỳ 2021 - 2026 để triển khai thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Sau khi kết thúc thực hiện thí điểm sẽ tiến hành tổng kết để đánh giá, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương cho phù hợp.

Liên quan đến chế độ chính sách đối với chức danh Ủy viên hoạt động chuyên trách tại các Ban của HĐND thành phố Hà Nội, Chính phủ đề nghị, quy định chức danh Ủy viên hoạt động chuyên trách của các Ban của HĐND thành phố Hà Nội được hưởng lương theo quy định hiện hành đối với cán bộ, công chức và được hưởng phụ cấp chức vụ bằng chức danh trưởng phòng cấp sở của thành phố Hà Nội. Mức phụ cấp này cũng tương đương như với chức danh Ủy viên chuyên trách tại HĐND thành phố Hồ Chí Minh.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, so với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, bổ sung năm 2019, số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách tại HĐND thành phố Hà Nội được đề nghị tăng thêm 9 đại biểu (trong đó tăng 1 Phó Chủ tịch HĐND, 4 Phó Trưởng ban và 4 Ủy viên hoạt động chuyên trách tại 4 Ban của HĐND).

Theo Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật tán thành với đề xuất của chính quyền thành phố và Chính phủ. Bởi, trong bối cảnh thành phố Hà Nội thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 97 của Quốc hội và thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù theo Nghị quyết số 115 của Quốc hội thì việc Chính phủ đề nghị bố trí tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội là có cơ sở thực tiễn, phù hợp với vị thế, vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô và yêu cầu đảm đương khối lượng công việc ngày càng tăng của chính quyền ở cấp thành phố.

Kiến nghị này cũng bảo đảm tương quan với các địa phương khác cũng thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị (như thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh), đồng bộ với việc bố trí tăng số lượng cán bộ giữ chức danh lãnh đạo quản lý tại các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND thành phố. Trong khi đó, việc bố trí tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách không làm tăng biên chế vì sẽ được cân đối trong tổng số biên chế hành chính được giao của thành phố Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình

Ủy ban Pháp luật thấy rằng, Ủy viên hoạt động chuyên trách tại các Ban của HĐND thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là một chức danh mới, chưa được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương mà mới chỉ được quy định tại Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội về Tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong hệ thống thang, bảng lương hiện nay chưa có quy định về lương, phụ cấp và chế độ chính sách cho chức danh Ủy viên hoạt động chuyên trách tại Ban của HĐND. Để tạo cơ sở pháp lý cho quá trình tổ chức thực hiện, đề nghị Chính phủ và các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, sớm có đề xuất cụ thể về lương, phụ cấp và chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp đối với chức danh Ủy viên hoạt động chuyên trách tại Ban của HĐND thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Hoàn toàn là phù hợp và cần thiết

Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Chiến – Đoàn TP Hà Nội bày tỏ nhất trí cao về số lượng đại biểu chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026. Đại biểu phân tích thêm, có một vấn đề cần phải giải quyết để cho cử tri và nhân dân thấy rõ được cơ sở pháp lý, từ quy định của pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương, số lượng đại biểu tối đa cho cấp tỉnh là 10, nhưng riêng Hà Nội có đặc thù chúng ta đề cập 19 đại biểu chuyên trách.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội)

“Vậy, căn cứ nào để chúng ta đưa ra cơ sở này? - Theo nhận xét và nghiên cứu của tôi, trên cơ sở quy định của pháp luật như vậy nhưng Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 97 về vấn đề tổ chức đặc thù của Thủ đô Hà Nội và Nghị quyết 115 về vấn đề bố trí tăng cường đại biểu chuyên trách liên quan đến những các vấn đề quy định về tài chính. Với Nghị quyết 97 và Nghị quyết 115 là cơ sở để chúng ta thực hiện quy định của pháp luật nói chung là không trái. Do vậy, trước hết tôi bày tỏ quan điểm đồng tình với mô hình thí điểm và nâng số lượng đại biểu chuyên trách của Hội đồng nhân dân tại Thủ đô Hà Nội riêng với nhiệm kỳ 2021-2026”, đại biểu cho hay.

Cũng theo đại biểu, với điều kiện phát triển của Thủ đô Hà Nội trong thời gian tới, để thực hiện được nhiệm vụ chính trị, đòi hỏi trong thực tiễn và nhu cầu ý kiến của cử tri Thủ đô cũng như của nhân dân thì đối với đại biểu Quốc hội nói chung cũng như đại biểu Hội đồng nhân dân cần phải tăng số lượng đại biểu chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong tình hình mới. Đối với Thủ đô Hà Nội thì việc tăng cường các đại biểu chuyên trách với thực tế khách quan như vậy hoàn toàn là phù hợp và cần thiết.

Đại biểu Lê Thanh Vân – Đoàn Cà Mau cho rằng: “đây là một tư duy rất mới, tích cực, coi trọng cơ quan dân cử”.

Đại biểu góp ý, cần phải nghiên cứu một bảng lương riêng cho các cơ quan dân cử. Các đại biểu dân cử phải có một địa vị chính trị, pháp lý cụ thể, rõ ràng, thể hiện qua đãi ngộ của Nhà nước, mà ở đây chính là ủy thác của nhân dân.

“Nếu như anh trong nhiệm kỳ, gánh vác trách nhiệm của nhân dân ủy thác thì anh được hưởng quyền đó. Còn nếu như một đại biểu Quốc hội sau này trở lại đơn vị công tác thì trở lại mức lương cũ là bình thường. Đó là một nguyên tắc mà nhiều lần trong Nghị quyết Đảng đã nói, là làm việc gì ăn việc đấy”, Đại biểu bày tỏ.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau)

Đại biểu dẫn chứng trong bảng lương hiện nay mâu thuẫn ở chỗ một số chức danh của Quốc hội thì hưởng lương bầu cử, nhiều chức danh khác lại hưởng lương theo hệ thống hành chính, tức là phụ cấp trách nhiệm.

“Tôi đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề này. Đây là một chính sách rõ ràng thể hiện đãi ngộ của nhà nước, của nhân dân đối với các đại biểu dân cử, có như vậy mới thu hút được nhân tài vào ngồi ở các cơ quan quyền lực nhà nước, từ Quốc hội đến Hội đồng nhân dân các cấp”, đại biểu đề nghị.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đều thống nhất cao với sự cần thiết bố trí tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội, nhằm phù hợp với vị thế, vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô, đáp ứng vai trò đảm đương khối lượng công việc ngày càng lớn của chính quyền TP Hà Nội. Theo đó, từ nhiệm kỳ 2021-2026 và trong suốt thời gian thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, thành phố được bố trí tăng thêm số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội.

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo của Chính phủ và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý để hoàn thiện dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp này.

Công Thọ - Giang Ngân

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tang-dai-bieu-chuyen-trach-hdnd-ha-noi-phu-hop-voi-vi-the-vai-tro-dac-biet-quan-trong-cua-thu-do-414721.html