Tăng cường xử lý tham nhũng vặt

Tham nhũng vặt chẳng những gây mất niềm tin của người dân vào bộ máy công quyền và gây bức xúc trong xã hội, mà còn cản trở doanh nghiệp (DN) phát triển đầu tư, kinh doanh. Khoảng cách từ tham nhũng vặt đến tham nhũng lớn rất mong manh, nếu không ngăn chặn sớm sẽ tạo hệ quả xấu về lâu dài.

Quyết liệt phòng, chống tham nhũng

Để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, DN, ngày 17-6-2016, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 1666/CT-UBND về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trên địa bàn tỉnh. Trong đó có sự phân công chủ trì, phối hợp, tham mưu, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện của các cơ quan chức năng. Theo Thanh tra tỉnh, chỉ thị của UBND tỉnh đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm và hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, từng bước đẩy lùi tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và DN.

Việc công khai, minh bạch các thủ tục hành chính giúp hạn chế nhũng nhiễu

Bên cạnh đấu tranh phòng ngừa, tỉnh còn tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động, trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc tiêu cực, tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng… Ngày 28-6-2016, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 329/KH-UBND về thực hiện giám sát và công bố kết quả giải quyết TTHC, hồ sơ liên quan trực tiếp DN, nhà đầu tư. Thực hiện kế hoạch này, từ tháng 8-2016, Báo An Giang đã đăng công khai kết quả giải quyết TTHC hàng tháng của 8 sở, ngành. Từ đầu năm 2017, Báo An Giang tiếp tục mở rộng đăng công khai kết quả giải quyết TTHC, hồ sơ liên quan trực tiếp DN, nhà đầu tư, hộ kinh doanh và người dân của 22 sở, ngành trực thuộc UBND tỉnh và 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Việc đăng công khai được duy trì liên tục cho đến nay, giúp người dân, DN giám sát kết quả giải quyết TTHC của cơ quan công quyền và tăng cường trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong xử lý hồ sơ.

Theo Thanh tra tỉnh, sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 1666/CT-UBND của UBND tỉnh, kết quả đạt được rất tích cực. Việc ngăn ngừa, đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng đã góp phần cải thiện, nâng cao các chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), PAPI (chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh) và PAR Index (chỉ số cải cách hành chính). Đối với bộ chỉ số PACA Index (đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) cấp tỉnh), nếu như năm 2016, An Giang còn xếp vị trí thứ 14 thì năm 2017 đã vươn lên đứng đầu cả nước với 77,96 điểm (kết quả năm 2018 chưa công bố).

Tiếp tục nỗ lực

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc để phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 22-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN trong giải quyết công việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, thời gian qua, với quyết tâm của Trung ương và các địa phương, tình trạng tham nhũng đã từng bước được hạn chế, thuyên giảm, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới của đất nước. Tuy nhiên, tham nhũng vẫn được xem là nguy cơ hàng đầu gây phương hại đất nước, cản trở sự phát triển của quốc gia. “Tình trạng tham nhũng vặt, chạy chọt, lót tay để được việc đang gây ảnh hưởng đến uy tín cán bộ, công chức, viên chức cũng như bộ máy công quyền. Tham nhũng vặt là vấn đề nhức nhối của xã hội, làm mất niềm tin của người dân, cản trở nhà đầu tư, DN phát triển. Trong khi đó, việc tự phát hiện, xử lý trong chính cơ quan, đơn vị đang là khâu yếu” - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhận xét.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, ngay trong công tác thanh, kiểm tra cũng tồn tại những vấn đề gây bức xúc cho DN. “Nhiều đoàn thanh tra yêu cầu DN cung cấp văn bản của cơ quan quản lý nhà nước, in nội dung hướng dẫn điện tử. Việc này là không cần thiết. Đôi khi, có một nội dung nhưng nhiều cơ quan cùng thanh, kiểm tra, gây phiền hà và mất thời gian của DN. Hiện nay, hơn 1,6 triệu hộ kinh doanh trong cả nước đang đóng góp khoảng 30% GDP nhưng do công tác quản trị chưa tốt, chưa minh bạch nên dễ tạo điều kiện cho tham nhũng vặt lộng hành. Chính phủ cần có chủ trương bổ sung hộ kinh doanh vào Luật DN, xem đây như loại hình DN để minh bạch khu vực không chính thức này. Đồng thời, bổ sung hệ thống quản trị DN chất lượng, cần rạch ròi về quy định, hướng dẫn, không tạo kẽ hở cho nhũng nhiễu. Chúng tôi cũng khuyến khích DN cam kết thực hiện liêm chính, không tiếp tay cho tham nhũng, thúc đẩy phong trào liêm chính trong cộng đồng DN Việt Nam” - ông Lộc kiến nghị. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, Chính phủ luôn coi công tác PCTN là trọng tâm. “Chỉ thị số 10/CT-TTg là khẳng định quyết tâm chính trị cao, giúp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững” - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Theo Thanh tra tỉnh, thời gian tới, toàn tỉnh An Giang sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá Chỉ thị số 1666/CT-UBND, ngày 17-6-2016 của UBND tỉnh nhằm sửa đổi, bổ sung, ban hành quy định mới phù hợp với Luật PCTN năm 2018. Đồng thời, tiếp tục tăng cường, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà; phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác PCTN nghiêm túc, quyết liệt, mạnh mẽ hơn.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/tang-cuong-xu-ly-tham-nhung-vat-a250024.html