Tăng cường vận động, đoàn kết tôn giáo

Ngày 6/7, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban công tác tôn giáo 6 tháng đầu năm 2020.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực chủ trì Hội nghị.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực khai mạc hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực khai mạc hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Khẳng định Hội nghị là cơ hội lắng nghe ý kiến từ cơ sở về công tác tôn giáo, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực đề nghị các đại biểu dự Hội nghị trao đổi, chia sẻ thông tin về tình hình công tác tôn giáo nổi bật của các tổ chức thành viên trong 6 tháng qua; đề xuất các biện pháp nhằm làm gắn kết hơn công tác tôn giáo tại cơ sở; phối hợp, đoàn kết các tôn giáo trên theo định hướng ổn định và phát triển.

Thông tin về tình hình, kết quả phối hợp thực hiện công tác tôn giáo 6 tháng đầu năm 2020, Phó trưởng Ban Tôn giáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết: Những tháng qua, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Đại đa số đồng bào các tôn giáo tin tưởng, đánh giá cao chủ trương, chính sách và biện pháp mạnh mẽ, hiệu quả, nhân văn của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch; ủng hộ, đánh giá cao những chủ trương của Đảng, Nhà nước trong điều hành ổn định nền kinh tế trong giai đoạn thiết lập trạng thái bình thường mới, vừa sản xuất, kinh doanh, vừa phòng, chống dịch; phòng, chống tham nhũng, lãng phí...

Giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp cũng là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo tập trung đông người, là nguy cơ cao để dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo, hướng dẫn sát sao của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và phát huy truyền thống tốt đẹp, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, sống “tốt đời đẹp đạo”, tinh thần, trách nhiệm cao cả với đất nước, nhân dân, tất cả 43 tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đều tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh với nhiều hoạt động cụ thể.

Trong đó, có nhiều chỉ đạo, vận động thiết thực như hủy hoặc tạm dừng các hoạt động lễ hội, các buổi hội họp, thuyết giảng, khóa tu tập trung đông người... và nhiều sinh hoạt, hoạt động tôn giáo ở cộng đồng và cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; tham gia đóng góp ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 với nhiều hình thức phong phú, đa dạng với tổng giá trị tiền mặt và vật phẩm ủng hộ ước tính hàng trăm tỷ đồng, góp phần quan trọng cùng cả nước kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh tại Việt Nam.

Những đóng góp của đồng bào các tôn giáo đã góp phần khẳng định chính sách tôn giáo đúng đắn của Đảng, Nhà nước; khẳng định đồng bào tôn giáo là bộ phận quan trọng, không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cho thấy các giá trị về văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo phù hợp với mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Nguồn lực to lớn, dồi dào của các tôn giáo cần được nghiên cứu, phát huy hiệu quả trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành 5 văn bản hướng dẫn, vận động các tổ chức tôn giáo tham gia phòng, chống dịch COVID-19; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác tôn giáo tới Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành và công tác vận động, tập hợp, đoàn kết đối với các tổ chức tôn giáo trong tham gia phòng, chống dịch bệnh; tham gia giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19..., góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng, qua việc đánh giá khái quát về bức tranh tôn giáo, có thể nhận thấy xu hướng chuyển biến về cấu trúc nội tại của các tôn giáo. Đặc biệt, trong thời đại toàn cầu hóa và ảnh hưởng từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xu hướng hiện diện, tham gia vào các hoạt động xã hội của các tôn giáo ngày càng rõ nét hơn.

Trước những biểu hiện đó, Việt Nam cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách và thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền về tôn giáo, theo xu hướng chung của thế giới là giảm bớt các thiết chế, bình thường hóa đời sống tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật. Ông Ngô Sách Thực cũng đề nghị cần tiếp tục xây dựng, nhân rộng những mô hình liên quan đến công tác tôn giáo hoạt động hiệu quả; quan tâm tới vấn đề phát triển đoàn viên, hội viên; phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ cốt cán và người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng các khu dân cư, các tổ chức tôn giáo...

Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao sự phối hợp giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên của Mặt trận và các cơ quan Trung ương có liên quan về công tác tôn giáo; cho rằng các hoạt động đã được triển khai theo hướng chặt chẽ, có trọng tâm, trọng điểm, đạt được nhiều kết quả quan trọng...

Hiền Hạnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/tang-cuong-van-dong-doan-ket-ton-giao-20200706163748578.htm