Tăng cường vai trò của truyền thông trong kích cầu du lịch nội địa

Ngày 2/6, Hội Nhà báo TP HCM, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Sở Du lịch TP HCM đã tổ chức tọa đàm 'Phát huy vai trò của truyền thông trong chương trình 'Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam'.

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng cần giải quyết bài toán kích cầu du lịch thật hiệu quả, đánh giá tình trạng của các doanh nghiệp (DN) và có chính sách hỗ trợ kịp thời.

Trong quý I/2020, ngành du lịch Việt Nam đã mất khoảng 2,3 tỉ USD và đến nay là tháng 6 vẫn chưa thể phục hồi thị trường khách quốc tế, cả ngành sẽ thiệt hại thêm 5-7 tỉ USD. Trong trường hợp lạc quan nhất là thị trường phục hồi sớm từ ngày 30-6 thì cả năm cũng chỉ đón được khoảng 5,5 triệu lượt khách quốc tế…

Với các DN, ông Nguyễn Hữu Thọ nhìn nhận khu vực DN nhỏ đang gặp khó khăn nhất khi trong quý I có 80 đơn vị đã ngừng hoạt động và có thể thêm 300 DN rời thị trường trong thời gian tới; hệ thống các khách sạn, resort công suất phòng vẫn còn rất thấp. Trong khi đó, DN vẫn chưa thể tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước do thủ tục phức tạp.

Toàn cảnh tọa đàm "tăng cường vai trò của truyền thông trong kích cầu du lịch nội địa"

Toàn cảnh tọa đàm "tăng cường vai trò của truyền thông trong kích cầu du lịch nội địa"

"Trong khi Thái Lan đang bán tour kích cầu 3 ngày 2 đêm gồm cả vé máy bay chỉ 152 USD, tương đương đợt kích cầu năm 1999, chúng ta vẫn chưa có chính sách kích cầu cụ thể cho từng phân khúc khách hàng. Người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình và người giàu đều có nhu cầu du lịch nhưng khả năng khác nhau, trong khi các tour kích cầu hiện nay đang gom chung cùng mức giá" - ông Nguyễn Hữu Thọ nói.

Bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết TP sẽ tung ra chương trình kích cầu du lịch bảo đảm chất lượng, giá hợp lý. Hiện có 24 DN lữ hành, 26 khách sạn tham gia với 176 tour, trong đó có những tour giảm 50%-60%. Đặc biệt, Sở Du lịch TP yêu cầu các DN phải làm thực chất chứ không hình thức.

Thông tin đáng chú ý được ông Trịnh Hồng Quang, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, chia sẻ tại cuộc họp giữa hãng với Cục Hàng không Việt Nam mới đây đã chọn ra một số thị trường như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức… là những điểm đến đầu tiên để mở lại đường bay nhằm từng bước khai thông thị trường quốc tế vốn đóng vai trò rất quan trọng với hàng không, du lịch.

Một đề xuất táo bạo được ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Vietravel, đưa ra nhằm kích cầu du lịch nội địa là nghiên cứu chính sách tặng tiền cho khách đi du lịch. Cụ thể, du khách đi tour trọn gói của tất cả công ty du lịch (khách mua dịch vụ lẻ không được hưởng) sẽ được trừ ngay 1 triệu đồng, sau đó khi công ty du lịch nộp thuế sẽ được ngân sách khấu trừ lại.

"Theo tính toán, nếu từ nay đến cuối năm có khoảng 10 triệu lượt khách đi du lịch trong nước, nhà nước sẽ chi ra khoảng 10.000 tỉ đồng từ chính sách tặng 1 triệu đồng/du khách đi tour. Đổi lại, mỗi du khách thường chi tiêu ít nhất từ 3-5 triệu đồng, tương đương khoảng 30.000 - 50.000 tỉ đồng được đưa vào nền kinh tế và tạo gói quay vòng cho ngành du lịch. Chính sách này rất cần thiết để hồi sinh ngành du lịch" - ông Nguyễn Quốc Kỳ phân tích.

Theo ông Trần Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh, dịch COVID-19 đã gây nhiều khó khăn cho ngành du lịch, nhất là doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành... Trước bối cảnh này, các cơ quan truyền thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực thông tin kịp thời đến người dân và hỗ trợ cho ngành du lịch.

Tọa đàm Phát huy vai trò của truyền thông trong chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" lần này, cũng là một minh chứng cho sự chủ động của Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và Hiệp hội Du lịch Việt Nam trong việc tuyên truyền, bàn giải pháp hỗ trợ ngành Du lịch.

Thông qua tọa đàm, sự tham gia của các bên liên quan sẽ góp phần đưa ra những giải pháp kích cầu du lịch nhất là giải pháp truyền thông du lịch hiệu quả, giúp ngành này sớm trở lại hoạt động bình thường trong bối cảnh mới.

Tại tọa đàm, đại diện một số cơ quan truyền thông cho rằng, cần định hướng du lịch trở thành nhu cầu thiết yếu trong đời sống người dân thông qua xây dựng những sản phẩm, gói kích cầu phù hợp để không chỉ người giàu hay có điều kiện tài chính mới có thể đi du lịch. Đặc biệt, các doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành... nên nghiên cứu sản phẩm du lịch trả góp hay tái cấu trúc thêm những sản phẩm mới phù hợp với xu thế tiêu dùng, du lịch sau dịch bệnh.

Trong đó, ngành Du lịch phải đẩy mạnh kết nối với ngành Truyền thông quảng bá những điểm đến an toàn, mang lại cảm hứng cho người Việt Nam khi đi du lịch Việt Nam.

Hoàng Thanh

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/chuyen-la/du-lich/phai-tang-cuong-vai-tro-cua-truyen-thong-trong-kich-cau-du-lich-noi-dia-254444.html