Tăng cường vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong nền kinh tế

Năm 2018, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã hoàn thành 253/253 cuộc kiểm toán theo kế hoạch; đã kiến nghị xử lý tài chính 89.600 tỷ đồng, mức cao nhất trong hơn 24 năm hoạt động; đã kiến nghị sửa đổi, thay thế 115 văn bản pháp luật; chuyển hồ sơ năm vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật; cung cấp 146 báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho các cơ quan chức năng… Đồng thời, cung cấp nhiều thông tin phục vụ Quốc hội trong quá trình xem xét phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN), quyết định dự toán NSNN; giúp hội đồng nhân dân các cấp thực hiện giám sát và phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; giúp các bộ, ngành cải thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng NSNN, tiền và tài sản nhà nước.

Sự phát triển KTNN Việt Nam không chỉ gắn với sự hoàn thiện hệ thống bộ máy nhà nước, mà còn là nhu cầu tự thân của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và góp phần bảo đảm sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế - tài chính quốc gia. Những kết quả kiểm toán trung thực, chính xác, khách quan của cơ quan KTNN không chỉ giúp Chính phủ, Quốc hội đánh giá đúng tình hình thực trạng tài chính ngân sách nhà nước mà còn cung cấp các thông tin làm căn cứ cho việc hoạch định các chính sách kinh tế ra các quyết định có hiệu lực cao, đề ra các biện pháp tăng cường quản lý thu chi ngân sách, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội trong việc sử dụng ngân sách.

Đây cũng là cơ quan có địa vị pháp lý đủ mạnh để thực hiện các chức năng kiểm tra, kiểm soát, cảnh báo và trên góc độ vi mô có thể góp phần ngăn chặn các nguy cơ dẫn đến phá sản cho doanh nghiệp được kiểm toán hay có thể cảnh báo nguy cơ dẫn đến các khó khăn tài chính, khủng hoảng cho các ngành cũng như toàn bộ nền kinh tế. Đồng thời có thể liên kết với các cơ quan chức năng để thúc đẩy quá trình thực thi các kiến nghị kiểm toán, qua đó buộc các đối tượng kiểm toán và các bên liên quan thực hiện điều chỉnh quản lý, khắc phục các vi phạm sửa sai và chấn chỉnh trong công tác tài chính.

Với tinh thần đó, đầu tư cho phát triển hoạt động KTNN là cần thiết và là khoản đầu tư hiệu quả, mang lại những giá trị không thể tính được cả về kinh tế và ngoài kinh tế, nhất là trong bối cảnh chuyển mạnh từ quản lý “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, từ quản chặt sang hỗ trợ và đồng hành, tăng cường thanh tra sự tuân thủ và hiệu quả hoạt động thực tế theo yêu cầu phát triển bền vững hiện nay.

Để xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng lớn về vai trò của KTNN đối với đất nước, cần tiếp tục nâng cao năng lực thể chế, chất lượng đội ngũ cán bộ, chế độ đãi ngộ... đổi mới phương pháp, cách thức tổ chức kiểm toán, nâng cao chất lượng công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán, kiểm soát chất lượng kiểm toán, chú trọng phát triển cả ba loại hình kiểm toán (kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động). Cùng với việc đẩy mạnh kiểm toán tổng hợp, kiểm toán chuyên đề, KTNN không ngừng tăng cường việc xác nhận quyết toán ngân sách các địa phương, NSNN.

Đặc biệt, thực tiễn đang đặt ra nhu cầu tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện Luật KTNN, bổ sung, điều chỉnh một số quy định về phòng, chống tham nhũng (PCTN) theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực KTNN và sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan, bảo đảm sự thống nhất và tương thích giữa Luật KTNN với Luật PCTN và các luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý để KTNN thực hiện nhiệm vụ về PCTN, nhằm tăng cường vai trò của KTNN trong đời sống kinh tế, góp phần phát triển bền vững đất nước.

TS NGUYỄN MINH PHONG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/40422202-tang-cuong-vai-tro-cua-kiem-toan-nha-nuoc-trong-nen-kinh-te.html