Tăng cường ứng phó với lũ quét, sạt lở đất

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai vừa ban hành công văn số 166/TWPCTT ngày 30/10 về việc tăng cường ứng phó với lũ quét, sạt lở đất bởi thời gian vừa qua diễn biến mưa lớn đã làm khu vực miền núi phía Bắc và miền Trung - Tây Nguyên chịu thiệt hại lớn.

Do ảnh hưởng của mưa lớn, vào ngày 16/10/2020, tại Km9+530 thuộc tuyến đường liên xã Mường Sang - Chiềng Khừa, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, một lượng lớn đất từ taluy dương sạt xuống đường, cuốn theo một ô tô bán tải của người dân xuống vực. Ảnh: TTXVN phát

Do ảnh hưởng của mưa lớn, vào ngày 16/10/2020, tại Km9+530 thuộc tuyến đường liên xã Mường Sang - Chiềng Khừa, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, một lượng lớn đất từ taluy dương sạt xuống đường, cuốn theo một ô tô bán tải của người dân xuống vực. Ảnh: TTXVN phát

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai vừa ban hành công văn số 166/TWPCTT ngày 30/10 về việc tăng cường ứng phó với lũ quét, sạt lở đất bởi thời gian vừa qua diễn biến mưa lớn đã làm khu vực miền núi phía Bắc và miền Trung - Tây Nguyên chịu thiệt hại lớn, đặc biệt là sạt lở đất, lũ quét nghiêm trọng tại nhiều địa phương như: Mường La, Sơn La làm 23 người chết; Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Yên Bái làm 53 người chết, riêng trong tháng 9-10/2020 đã có 138 người chết và mất tích. Một số vụ sạt lở gây thiệt hại nặng như: Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế), Trạm bảo vệ rừng tiểu khu 67, Đoàn kinh tế Quốc phòng 337 (Quảng Trị) làm 52 người dân và cán bộ chiến sỹ hy sinh. Đặc biệt, ngay sau đợt mưa bão số 9, (tính đến 5 giờ ngày 30/10/2020) sạt lở đất nghiêm trọng đã xảy ra vùi lấp 45 người tại tỉnh Quảng Nam.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1500/CĐ-TTg ngày 28/10/2020 và Công điện số 1503/CĐ-TTg ngày 29/10/2020. Để ứng phó với sạt lở đất, lũ quét trong thời gian tới. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh khẩn trương triển khai một số nội dung như: Rà soát các nhà dân, cơ sở hạ tầng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng lũ quét, sạt lở đất, các hộ dân sống ven sông, suối; kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường, các sự cố, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, bố trí lực lượng kiểm soát, cương quyết không để người dân ở lại những khu vực đã xác định có nguy cơ lũ quét, sạt lở cao. Đồng thời, chỉ đạo đài phát thanh, truyền hình tỉnh, huyện, xã và các phương tiện thông tin địa phương tăng cường tình hình mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất và các biện pháp phòng tránh đến người dân đặc biệt là tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương triển khai khẩn cấp các phương án phòng chống lũ quét, sạt lở đất và chủ động di dời dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở, sẵn sàng nhân lực, vật tư trang thiết bị theo phương châm 4 tại chỗ đảm bảo kịp thời tiếp cận ứng cứu khi có tình huống xảy ra, nhất là lũ quét, sạt lở đất trên phạm vi rộng; bảo đảm an toàn hồ đập và xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.

TTXVN/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/tang-cuong-ung-pho-voi-lu-quet-sat-lo-dat-20201030152405592.htm