Tăng cường tuyên truyền đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố

Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Ngô Văn Tuyến mới đây đã ký ban hành Hướng dẫn số 01/HD-LĐLĐ hướng dẫn các cấp công đoàn Thủ đô triển khai tuyên truyền bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố năm 2019.

Hướng dẫn nêu rõ: thực hiện Kế hoạch số 234/KH-UBND ngày 24/12/12018 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2019, với chủ đề Năm An toàn giao thông 2019 là “An toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy”, LĐLĐ Thành phố hướng dẫn các cấp công đoàn Thủ đô triển khai công tác tuyên truyền xoay quanh nội dung này.

Cụ thể, công tác tuyên truyền tập trung vào 4 nội dung trọng tâm gồm: Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị; Tuyên truyền các chỉ tiêu chủ yếu của Thành phố năm 2019; Tuyên truyền các chuẩn mực thái độ, hành vi tuân thủ các quy tắc, quy định của pháp luật trong quản lý trật tự đô thị và khi tham gia giao thông; Tiếp tục tuyên truyền thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Cuộc vận động “Toàn dân giữ gìn trật tự an toàn giao thông”, chú trọng tuyên truyền, biểu dương gương người tốt, việc tốt, đi đôi với phê phán, lên án kịp thời các hành vi cố ý vi phạm, coi thường kỷ cương, pháp luật giao thông; đồng thời gắn kết chặt chẽ công tác tuyên truyền với các sự kiện chính trị trọng đại của Thủ đô và đất nước, nhằm khơi dậy niềm tự hào về truyền thống ngàn năm Thăng Long - Hà Nội và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Một buổi tuyên truyền về Luật An toàn giao thông và tập huấn lái xe an toàn cho CNVCLĐ do LĐLĐ huyện Phúc Thọ tổ chức. Ảnh minh họa.

Một buổi tuyên truyền về Luật An toàn giao thông và tập huấn lái xe an toàn cho CNVCLĐ do LĐLĐ huyện Phúc Thọ tổ chức. Ảnh minh họa.

Về hình thức tuyên truyền, LĐLĐ Thành phố hướng dẫn các cấp công đoàn đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền song phải đảm bảo nội dung tuyên truyền dễ hiểu, dễ nhớ, thiết thực, phù hợp với đối tượng CNVCLĐ, chú trọng các hình thức tuyên truyền có hiệu quả cao và trực tiếp tới đoàn viên, CNVCLĐ như: thông qua báo, đài Trung ương và địa phương, qua hệ thống loa tại các nút giao thông trọng điểm, thông qua các hội nghị, hội thi tìm hiểu, hội thi sân khấu hóa; tổ chức các tổ tuyên truyền lưu động, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan, căng treo băng rôn, cờ phướn, in ấn, phát hành tờ rơi, áp phích...

Về tổ chức thực hiện, LĐLĐ Thành phố yêu cầu các LĐLĐ quận, huyện, thị xã; Công đoàn ngành; Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; CĐCS trực thuộc căn cứ hướng dẫn của LĐLĐ Thành phố và tình hình thực tiễn CNVCLĐ địa phương, ngành, tổ chức triển khai tuyên truyền đến 100% các CĐCS và đoàn viên, CNVCLĐ, định kỳ hàng quý, năm báo cáo kết quả thực hiện về Liên đoàn Lao động Thành phố theo qui định (qua Ban Tuyên giáo).

Đối với Báo Lao động Thủ đô và trang Web LĐLĐ thành phố, LĐLĐ Thành phố đề nghị cần tăng cường lượng thông tin tuyên truyền các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tuyên truyền những lợi ích của vận tải hành khách công cộng; nhân rộng phong trào, gương CNVCLĐ tiêu biểu, gương “Người tốt - Việc tốt”, nhân điển hình tiên tiến trong thực hiện pháp luật an toàn giao thông, trong thực hiện các chủ trương của Thành phố góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn Thành phố.

LĐLĐ Thành phố nhấn mạnh, công tác tuyên truyền cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên trì, bền bỉ; chú trọng làm điểm và nhân rộng điển hình, nhằm xây dựng nếp sống văn hóa của người tham gia giao thông.

Phạm Diệp

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tang-cuong-tuyen-truyen-dam-bao-trat-tu-an-toan-giao-thong-tren-dia-ban-thanh-pho-85809.html