Tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật về an toàn vệ sinh lao động

Tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về các vấn đề vướng mắc khi triển khai Luật An toàn vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành vừa được Cục An toàn lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) tổ chức mới đây, ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động - cho biết, Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) có nhiều nội dung, chính sách mới được ban hành nên cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Nhiều điểm mới trong Luật ATVSLĐ

Cụ thể, theo ông Hà Tất Thắng, Luật ATVSLĐ hiện hành đã mở rộng chế độ, chính sách đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN), như: Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động bị TNLĐ-BNN khi trở lại làm việc, khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp.

Cần tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về ATVSLĐ vì lợi quyền của người lao động và người sử dụng lao động (Ảnh minh họa)

Cần tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về ATVSLĐ vì lợi quyền của người lao động và người sử dụng lao động (Ảnh minh họa)

Luật cũng quy định cụ thể về phục hồi chức năng lao động, tổ chức điều tra lại các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo yêu cầu của cơ quan bảo hiểm xã hội TNLĐ-BNN.

Đặc biệt là mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm TNLĐ theo hình thức tự nguyện của người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Cùng đó, việc chú trọng và ưu tiên các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa rủi ro, cải thiện điều kiện lao động và xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc… cũng được Luật hóa trong các điều, khoản của Luật.

Sau 3 năm triển khai chính sách mới nói trên đã gặp những khó khăn vướng mắc nhất định, vì vậy năm 2019 Bộ LĐ-TB&XH đã dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 37/2016/NĐ-CP trình Chính phủ ban hành vào cuối năm 2019. Cụ thể, những khó khăn, vướng mắc khi triển khai Nghị định, như: Hoạt động hỗ trợ điều tra lại các vụ TNLĐ, BNN theo đề nghị của cơ quan Bảo hiểm xã hội chưa được quy định rõ ràng, cụ thể và khó thực hiện; Hoạt động hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ còn nhiều vướng mắc do mức hỗ trợ thấp; Mức đóng và phương thức đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN theo quy định tại Điều 4 Nghị định 37/2016/NĐ-CP đã hết hiệu lực bởi Nghị định 44/2017/NĐ-CP và Nghị định 44 này cũng đang trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi.

Bên cạnh đó, chưa thiết lập được hệ thống cơ sở dữ liệu, kết nối và chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác quản lý và hoạch định chính sách giữa Bộ Lao đông - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt để phục vụ công tác nghiên cứu, điều chỉnh mức đóng vào quỹ phù hợp hơn với từng ngành, nghề, lĩnh vực có mức độ rủi ro về ATVSLĐ khác nhau…

Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra những kiến nghị đối với các cơ quan trung ương để thực hiện tốt hơn công tác ATVSLĐ. Đồng thời, nghiên cứu, rà soát để kịp thời sửa đổi, bổ sung những quy định mới nhằm tháo gỡ khó khăn trong thực thi các quy định liên quan để nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước…

Đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, người lao động

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Thơ - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết, về cơ bản văn bản quy phạm pháp luật được ban hành kịp thời, thống nhất với Luật ATVSLĐ.

Hệ thống văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật ATVSLĐ cơ bản đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa các chính sách, đưa luật đi vào cuộc sống và kịp thời điều chỉnh những phát sinh, góp phần đưa công tác quản lý nhà nước và thực thi pháp luật trong lĩnh vực ATVSLĐ hiệu quả hơn.

Song hành cùng công tác xây dựng, hoàn tiện chính sách, công tác thông tin tuyên truyền về ATVSLĐ cũng được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ngành thể chế trong các văn bản, như: Chỉ thị 29 – CT ngày 13/9/2013 về đẩy mạnh công tác ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Quyết định số 899/QĐ – TTg ngày 20/6/2017 phê duyệt Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp – Việc làm và An toàn Lao động giai đoạn 2016 – 2020, trong đó có các mục tiêu về tuyên truyền, tư vấn, phổ biến giáo dục pháp luật…

Tuy nhiên, trong quá trình thực thi pháp luật về ATVSLĐ không phải doanh nghiệp nào cũng hiểu đúng, hiểu đủ và nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật. Việc chấp hành chế độ báo cáo, thống kê TNLĐ của các doanh nhiệp vừa và nhỏ cũng như khu vực không có quan hệ lao động chỉ chiếm từ 5 – 7%. Đặc biệt, doanh nghiệp dịch vụ, cơ quan hành chính hầu như không báo cáo về TNLĐ - BNN.

Bên cạnh đó, còn tình trạng khi xảy ra TNLĐ, người sử dụng lao động che giấu, không khai báo mà thỏa thuận bồi thường với người lao động hoặc thân nhân người lao động bị tử vong.

Chính vì vậy, công tác tuyên truyền hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tạo chuyển biến về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về ATVSLĐ đóng vai trò quan trọng, nhất là địa bàn đặc thù có nhiều lĩnh vực, ngành nghề sản xuất kinh doanh, như: Khai thác, chế biến khoáng sản, luyện kim, sản xuất hóa chất, thủy điện… với nhiều ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ TNLĐ-BNN.

Do đó, trong thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về ATVSLĐ; Thanh tra kiểm tra và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; triển khai phổ biến Luật ATVSLĐ, đến các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế và cả người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động cần được đặc biệt chú trọng.

Cùng đó, các tổ chức, doanh nghiệp, nhất là chính quyền các địa phương cần tăng cường công tác hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về ATVSLĐ đối với các cán bộ làm công tác ATVSLĐ và người lao động trong các doanh nghiệp, đặc biệt là những đơn vị mới thành lập, giúp các doanh nghiệp chủ động nắm bắt và triển khai thực hiện nghiêm túc các chế độ tiêu chuẩn, quy phạm về ATVSLĐ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường làm việc, phòng ngừa và giảm thiểu TNLĐ-BNN.

Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2016 -2018, trên cả nước xảy ra 24.934 vụ TNLĐ (trong đó có 2.669 vụ có người chết, 319 vụ có từ 2 nạn nhân trở lên. Tổng số nạn nhân TNLĐ giai đoạn này là 25.653 người (trong đó có 2.681 nạn nhân là người lao động không theo hợp đồng lao động), tỉ lệ TNLĐ có xu hướng tăng so với giai đoạn 2013 -2015. Nguyên nhân chủ yếu là do người lao động và người sử dụng lao động chưa thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về ATVSLĐ.

Hoàng Châu

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tang-cuong-tuyen-truyen-chinh-sach-phap-luat-ve-an-toan-ve-sinh-lao-dong-126205.html