Tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm

Kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 vừa qua giáp với ngày nghỉ cuối tuần nên kéo dài 4 ngày. Đây cũng là thời điểm nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều gia đình đi du lịch và về quê thăm thân. Chính vì vậy, mật độ tham gia giao thông tăng cao, nhiều tuyến đường trở nên quá tải, nhất là trong ngày 29-4 và 3-5, khi người dân bắt đầu và kết thúc lộ trình di chuyển đi nghỉ lễ...

Mật độ tham gia giao thông tăng cao

Theo ghi nhận của các phóng viên, chiều 29-4 và sáng 30-4, tuyến cao tốc Pháp Vân-Ninh Bình trở nên ùn ứ. Lượng xe ô tô tăng đột biến chiều từ Bắc vào Nam. Các nút giao thông đi Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình quá tải, phương tiện chỉ có thể di chuyển chậm. Cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, lượng xe ô tô khách và xe cá nhân di chuyển về các tỉnh miền Tây Nam Bộ tăng cao. Các doanh nghiệp vận tải hành khách cũng tổ chức tăng chuyến để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Theo thống kê từ Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an, ngày 29-4 có 78.368 phương tiện lưu thông trên cao tốc Pháp Vân-Ninh Bình, 35.068 phương tiện lưu thông trên cao tốc Nội Bài-Lào Cai...

Anh Nguyễn Anh Đức, trú tại phường Mai Động, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: “Gia đình tôi xuất phát từ 7 giờ sáng để đi nghỉ tại Khu du lịch biển Sầm Sơn (Thanh Hóa), nhưng sau 2 giờ mới đi được 60km vì đường quá đông, nhất là từ nội thành ra cửa ngõ thành phố và tuyến cao tốc Pháp Vân-Ninh Bình”.

Để tránh bị ùn tắc, nhiều tài xế chọn giải pháp đi đường vòng, lối tắt. Song, lựa chọn này không những không hiệu quả mà còn khiến giao thông trở nên hỗn loạn. Thượng úy Phạm Trung Hiếu, Đội CSGT số 14 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết: “Nhiều phương tiện đi tắt qua đường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) để ra cao tốc, hay lưu thông qua Ngọc Hồi đi Quốc lộ 1 cũ khiến giao thông ùn tắc tại các khu vực đông dân cư".

 Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Ninh Bình kiểm tra xe khách đi qua địa bàn chiều 3-5. Ảnh: TTXVN.

Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Ninh Bình kiểm tra xe khách đi qua địa bàn chiều 3-5. Ảnh: TTXVN.

Tăng cường xử lý vi phạm

Trước tình hình trên, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Nam và lực lượng của Cục CSGT tổ chức phân luồng từ xa. Ngoài bố trí các tổ công tác ứng trực tại các nút giao thông trọng điểm, các trạm soát vé, lực lượng CSGT các tỉnh, thành phố còn tổ chức tuần tra, kiểm soát cơ động, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông (ATGT). Qua giám sát từ hệ thống camera tự động kết hợp với công tác tuần lưu, công an các tỉnh, thành phố tổ chức phân luồng giao thông, tuyên truyền về Nghị định số 100/NĐ-CP, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn, như: Chạy quá tốc độ, đón trả khách không đúng nơi quy định, vi phạm nồng độ cồn... Theo thống kê từ Cục CSGT, trong 4 ngày nghỉ lễ (từ 30-4 đến 3-5), toàn quốc xảy ra 133 vụ tai nạn giao thông, làm 79 người chết, 76 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2019 tăng 18 vụ, giảm 2 người chết, 2 người bị thương. Lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 29.172 trường hợp vi phạm (trong đó có 1.830 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 3 trường hợp dương tính với ma túy), phạt tiền hơn 13,6 tỷ đồng, tạm giữ 204 ô tô, 4.848 mô tô, tước giấy phép lái xe 1.512 trường hợp.

Đặc biệt, trong 4 ngày nghỉ lễ, công an các địa phương đã ngăn chặn nhiều vụ gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép... Điển hình là vụ tụ tập đua xe, gây rối trên Quốc lộ 1 thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang, hay nhóm thanh niên điều khiển xe máy tốc độ cao trên Quốc lộ 51 đoạn qua thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu). Ngày 30-4, Công an TP Hải Phòng xử lý 21 thanh niên không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe máy tốc độ cao trên địa bàn quận Đồ Sơn...

Chủ động phòng, chống dịch

Ngoài việc duy trì trật tự ATGT, bảo đảm an ninh-trật tự, công an các tỉnh, thành phố đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai nhiều phương án phòng, chống dịch (PCD) Covid-19. Các tổ công tác liên ngành (gồm: Công an, thanh tra giao thông, cán bộ y tế) tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách, điều kiện an toàn của phương tiện và người lái xe trước khi xuất bến, điều kiện bảo đảm an toàn và PCD Covid-19 cho lái xe, hành khách theo quy định của Chính phủ và Bộ Y tế ngay tại các bến xe...

Đại úy Nguyễn Minh Phong, Đội CSGT-Trật tự Công an TP Sầm Sơn (Công an tỉnh Thanh Hóa) cho biết: “Năm nay, lượng du khách đến với khu du lịch biển Sầm Sơn tăng đột biến. Các đơn vị phải huy động tối đa lực lượng, phương tiện để duy trì an ninh-trật tự và PCD bệnh. Ngoài việc quản lý, kiểm tra các cơ sở lưu trú, các tổ công tác liên ngành còn tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở người dân tuân thủ các quy định về PCD, không tụ tập đông người tại các bãi tắm, nhà hàng, khu vui chơi”.

Không riêng Thanh Hóa, các địa phương phát triển du lịch như: Bà Rịa-Vũng Tàu, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh... đều có các phương án bảo đảm an ninh, an toàn và PCD Covid-19. Căn cứ tình hình cụ thể, các địa phương có biển tổ chức cho người dân tắm biển hoặc không. Các doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, khách sạn, vận tải ngoài ký cam kết bảo đảm an ninh-trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, còn phải tuân thủ các quy định về phòng dịch. Do thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, toàn hệ thống chính trị và người dân cùng vào cuộc nên tình hình an ninh-trật tự, ATGT và PCD Covid-19 trong kỳ nghỉ lễ vừa qua được bảo đảm. Người dân đi lại thuận tiện, nghỉ lễ trong không khí vui tươi, phấn khởi.

TUẤN NAM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/an-ninh-trat-tu/tang-cuong-tuan-tra-xu-ly-nghiem-cac-hanh-vi-vi-pham-616933