Tăng cường truyền thông về giáo dục

Sau khi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong văn bản kết luận mới đây, một trong những vấn đề trọng tâm mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm là chú trọng làm tốt hơn công tác thông tin, truyền thông về giáo dục để xã hội và nhân dân hiểu, có nhiều chia sẻ và đóng góp nhiều hơn cho ngành về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Từ nhiều năm nay, giáo dục là lĩnh vực được người dân quan tâm nhiều nhất. Bởi thế, bất cứ người nào đảm nhiệm vị trí đứng đầu lĩnh vực này đều được dư luận xã hội ví như ngồi vào “ghế nóng”. Ngành giáo dục hiện có khoảng 1,2 triệu giáo viên và 24 triệu học sinh, sinh viên (chiếm khoảng 25% dân số cả nước). Như vậy, hầu như gia đình nào trên đất nước ta cũng có học sinh, sinh viên. Vì thế, theo nhận định của người đứng đầu Chính phủ, “khi có bức xúc liên quan đến ngành thì dễ lan nhanh, tạo hiệu ứng tiêu cực”. Điều đó đòi hỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như ngành giáo dục các cấp càng cần phải chú trọng làm tốt công tác truyền thông để hạn chế tới mức thấp nhất những sự cố không đáng có.

Cách đây 5 năm, tháng 4-2016, khi đảm nhiệm chức vụ “tư lệnh” ngành giáo dục, lần đầu tiên tiếp xúc với báo chí, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định: “Nhiệm vụ quan trọng của tôi là tạo niềm tin. Chỉ khi xã hội có niềm tin vào giáo dục thì lúc đó mới thắng lợi, còn khi chưa có niềm tin vào giáo dục thì vẫn là thất bại”.

Từ quan điểm đó, những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác định công tác truyền thông về giáo dục là một trong những nhiệm vụ ưu tiên, giải pháp quan trọng của ngành. Bộ đã có nhiều cố gắng trong công tác cung cấp thông tin cho báo chí, truyền thông. Trước các kỳ thi THPT quốc gia và những vấn đề “nóng” của ngành được dư luận xã hội quan tâm, các cơ quan chức năng và người phát ngôn của bộ sớm tổ chức gặp gỡ, trao đổi, cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí; đồng thời chủ động đưa ra những định hướng thông tin có lợi cho sự phát triển của ngành.

Tuy nhiên, do giáo dục là lĩnh vực có tác động sâu rộng đến hầu hết mọi người, mọi gia đình, nên ngành giáo dục, các nhà trường và giáo viên luôn chịu những áp lực vô hình từ xã hội và từ chính những mong muốn, kỳ vọng của các bậc phụ huynh. Trong khi nhiều lĩnh vực, ngành, nghề khác có thể có một số tồn tại, hạn chế thường chỉ nội bộ biết thì với ngành giáo dục, ở các trường, lớp nếu xảy ra những bất cập, khuyết điểm gì lại rất dễ bị rò rỉ thông tin ra ngoài, rồi lan truyền với tốc độ chóng mặt, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội bùng nổ. Thế nên, có những vụ việc hy hữu như cô giáo bắt một học sinh uống nước giẻ lau bảng hay vụ một giáo viên quỳ gối xin lỗi phụ huynh, từng trở thành “điểm nóng” dư luận, thậm chí biến thành sự cố khủng hoảng truyền thông. Để xảy ra tình trạng này, một mặt do một số tờ báo cố tình làm nghiêm trọng hóa vấn đề để giật gân, câu khách; mặt khác do phương pháp tiếp cận, giải quyết, xử lý sự cố liên quan đến giáo dục chưa được làm một cách kịp thời, sáng tạo, hiệu quả.

Công tâm mà nói, thời gian qua, ngành giáo dục đã làm nhiều việc được dư luận ủng hộ, ghi nhận nhưng cũng còn tồn tại không ít bất cập, hạn chế khiến dư luận băn khoăn. Vì vậy, vấn đề mấu chốt để kiến tạo, tăng cường niềm tin cho xã hội chính là: “Tập thể lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chủ động, sáng tạo và quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo điều hành, tiếp tục đổi mới toàn diện tư duy giáo dục, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực cùng ngành giáo dục vươn lên mạnh mẽ; khắc phục bằng được bệnh phô trương, thành tích để đi vào thực chất, lấy hiệu quả và sự hài lòng của người dân làm thước đo”, như Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu. Đây là cái gốc căn bản để tạo chuyển biến tích cực về truyền thông giáo dục, qua đó xây dựng hình đẹp về ngành giáo dục và đội ngũ giáo viên trong mắt người dân.

PHÚC NỘI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/tang-cuong-truyen-thong-ve-giao-duc-659724