Tăng cường trao đổi kinh nghiệm công tác dân tộc

Cùng với việc thực hiện tốt các chương trình công tác những tháng đầu năm 2018 theo kế hoạch, Ban Dân tộc TP Hà Nội còn tăng cường làm tốt các hoạt động đối ngoại, nhằm trao đổi những kinh nghiệm thực tiễn trong việc triển khai thực hiện công tác và chính sách dân tộc (CTDT và CSDT).

Mới đây, Hội nghị trao đổi kinh nghiệm CTDT năm 2018 giữa Ban Dân tộc các tỉnh, TP: Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hà Nội, đã diễn ra tại TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

Đây là năm thứ 6, Ban Dân tộc các tỉnh, TP tổ chức Hội nghị nhằm trao đổi kinh nghiệm, những thuận lợi, khó khăn trong triển khai thực hiện CTDT, CSDT, qua đó góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện CTDT, CSDT tại địa phương, thắt chặt tình đoàn kết, chia sẻ giữa Ban Dân tộc các tỉnh, TP.

Theo báo cáo, trong những năm qua, CTDT và thực hiện CSDT tại 7 tỉnh, TP luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ủy ban dân tộc, của các cấp ủy Đảng và chính quyền các tỉnh, TP. Năm 2018, các tỉnh, TP được giao hơn 1.069 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đầu tư xây dựng trên 1.410 công trình hạ tầng thiết yếu; thực hiện cho vay vốn hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi với tổng số vốn vay được giải ngân là 6.550 triệu đồng, đạt 65,5% kế hoạch; thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn với tổng số vốn trên 50,2 tỷ đồng.

Ban Dân tộc 7 tỉnh, TP ký kết chương trình phối hợp công tác. (Ảnh: Kim Nguyên)

Ngoài các chính sách chung của Trung ương, hầu hết các tỉnh, TP đã quan tâm triển khai thực hiện các chính sách đặc thù đối với vùng dân tộc, miền núi.

Riêng đối với TP Hà Nội, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 06 - NQ/TU ngày 31-10-2011 để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ đô Hà Nội. Trên cơ sở đó UBND TP ban hành Kế hoạch 166/KH-UBND ngày 30-11-2012 (giai đoạn 2011 - 2015) và Kế hoạch 138/KH-UBND ngày 15/7/2016 (giai đoạn 2016 - 2020) về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô Hà Nội.

Theo đó, TP đã dành trên 2 ngàn tỷ đồng để đầu tư xây dựng điện, đường, trường, trạm, bảo tồn văn hóa, cung cấp các thiết bị y tế, giáo dục và hỗ trợ sản xuất... cho các xã vùng dân tộc thiểu số phát triển toàn diện kinh tế, văn hóa, xã hội. Do đó, đời sống vật chất và tinh thần của các gia đình cũng như diện mạo nông thôn các xã vùng dân tộc, miền núi của Thủ đô đã đổi thay tiến bộ từng ngày, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Cũng theo báo cáo, mặc dù đạt được những kết quả cao, nhưng tình hình thực hiện CTDT, CSDT thời gian qua tại 7 tỉnh, thành còn những khó khăn, hạn chế như việc triển khai một số chính sách còn chậm, tỷ lệ giải ngân vốn nhiều chương trình hỗ trợ thấp, công tác giảm nghèo chưa bền vững, hạ tầng vùng dân tộc thiểu số ở một số địa phương còn khó khăn...

Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi về tình hình triển khai thực hiện CTDT, CSDT địa phương, những kinh nghiệm, cách làm hay, hiệu quả trong thực hiện CTDT; đề xuất các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và thống nhất một số kiến nghị, đề xuất đối với Trung ương nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả hơn nữa CTDT, CSDT trên địa bàn.

Tại Hội nghị cũng đã diễn ra lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa 7 tỉnh, TP và bàn giao đơn vị đăng cai tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm công tác dân tộc năm 2019.

Khánh Phong

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/tang-cuong-trao-doi-kinh-nghiem-cong-tac-dan-toc-123099.html