Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện cải cách hành chính

Theo kế hoạch cải cách hành chính của Tổng cục Hải quan năm 2019 vừa được ban hành, ngành Hải quan tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò trong việc tham mưu, giúp Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra, giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; tổ chức thực hiện pháp luật về thuế đối với hàng hóa XNK; thống kê hàng hóa XNK.

Theo đó, để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nâng xếp hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới lên 10-15 bậc, năm 2019 tăng từ 3-5 bậc theo tinh thần của Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, ngày 12-2-2019, Tổng cục Hải quan (TCHQ) đã trình Bộ Tài chính giải pháp nhằm nâng hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới và đã tổ chức đoàn công tác khảo sát thực trạng, vướng mắc trong thực hiện thủ tục xuất, nhập khẩu tại Cục HQ TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng; hiện tại đang chuẩn bị nội dung trao đổi với Ngân hàng Thế giới về đề xuất phối hợp nhằm đánh giá chỉ số.

Tập trung nghiên cứu giảm thời gian, giảm hồ sơ, giấy tờ và chi phí thực hiện thủ tục hành chính liên quan trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp.

Tập trung nghiên cứu giảm thời gian, giảm hồ sơ, giấy tờ và chi phí thực hiện thủ tục hành chính liên quan trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp.

Về triển khai thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia, TCHQ tiếp tục tham mưu cho Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, trong đó có Bộ Y tế và Bộ Công an triển khai thêm 20 thủ tục hành chính mới thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.

Tính đến ngày 15-2-2019, đã có 12 bộ, ngành tham gia kết nối; 173 thủ tục hành chính được đưa lên Cơ chế một cửa quốc gia với tổng số hồ sơ hành chính đã được xử lý trên Cổng thông tin một cửa quốc gia gần 1,9 triệu bộ hồ sơ và xấp xỉ 27,4 nghìn DN tham gia.

Ngoài ra, Cơ chế một cửa đường hàng không, quản lý giám sát hàng hóa đường hàng không tiếp tục được chú trọng để triển khai mở rộng trong thời gian tới.

Tiếp tục triển khai trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D bản điện tử (e-C/O form D) với 4 nước: Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan. Tính từ ngày 1-1-2019 đến hết ngày ngày 15-2-2019, tổng số C/O Việt Nam nhận từ 4 nước ASEAN là: 6.235 (trong đó: Indonesia: 4.439, Malaysia: 1.741, Singapore: 55, Thái Lan: 0).

Tổng số C/O Việt Nam gửi sang các nước là: 13.310 (trong đó: Indonesia: 3.557, Malaysia: 2.914, Singapore: 1.148, Thái Lan: 5.691). Chuẩn bị trao đổi thử nghiệm thông tin tờ khai hải quan ASEAN; kết nối, trao đổi thử nghiệm thông tin tờ khai hải quan với Liên minh Kinh tế Á-Âu.

Tổng cục Hải quan xác định rõ các nhiệm vụ cải cách hành chính trọng tâm để tập trung thực hiện hiệu quả, trong đó tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Hải quan đáp ứng yêu cầu: Kỷ cương - Hành động - Hiệu quả.

Hiện, TCHQ đang triển khai mở rộng Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi (VASSCM) trên phạm vi toàn quốc. Tính đến ngày 15-2-2019, hệ thống VASSCM đã được triển khai tại 28/35 Cục Hải quan tỉnh, thành phố, 315 doanh nghiệp kinh doanh kho/bãi/cảng và kho ngoại quan.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, thống nhất các yêu cầu bài toán nghiệp vụ và thời gian thực hiện nâng cấp các hệ thống CNTT đáp ứng các quy định hiện hành của Nghị định 59/2018/NĐ-CP ngày 20-4-2018, Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20-4-2018; triển khai Đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7 mở rộng cho các ngân hàng thương mại; triển khai mở rộng Hệ thống quản lý văn bản điều hành tập trung (EdocCustoms) và các hệ thống CNTT khác.

Duy trì, vận hành ổn định Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của ngành Hải quan. Tính đến nay, tổng số DVCTT đạt tối thiểu mức độ 3 trong lĩnh vực hải quan là 171/181 TTHC (chiếm trên 94,4% số lượng TTHC). Trong đó, số DVCTT đạt mức độ 4: 162; số DVCTT đạt mức độ 3: 9; còn lại 10 TTHC đang ở mức độ 1 và 2. Đồng thời, thực hiện rà soát các quy định liên quan để chuẩn bị cho việc nâng cấp 2 TTHC đang cung cấp DVCTT mức độ 1 thành DVCTT mức độ 4 theo kế hoạch đã đăng ký với Bộ Tài chính.

Đặc biệt, ngành Hải quan tiếp tục tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện cải cách hành chính; xác định rõ kết quả đạt được, những nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, đơn vị chủ trì thực hiện và bố trí nguồn lực bảo đảm cho việc thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá nghiêm túc, trung thực, khách quan kết quả thực hiện cải cách hành chính theo quy định.

Phan Đức

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/xa-hoi/tang-cuong-trach-nhiem-nguoi-dung-dau-trong-thuc-hien-cai-cach-hanh-chinh-536323/