Tăng cường trách nhiệm cho mục tiêu tăng trưởng

Dịch bệnh Covid-19 trong nước được khống chế và kiểm soát tốt là 'cơ hội vàng' để phục hồi và tăng tốc phát triển kinh tế. Đối với một tỉnh nông nghiệp như An Giang, cơ hội mở ra càng lớn trước nhu cầu cao của thế giới về lương thực, thực phẩm. Để tận dụng tốt lợi thế, các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân cần tăng cường thêm trách nhiệm.

Cơ hội cho nông nghiệp

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, dù cùng chịu ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhưng An Giang có điều kiện tăng trưởng khá hơn một số địa phương khác. Tốc độ tăng trưởng GRDP quý I-2020 của tỉnh đạt 4,75%, tuy thấp hơn mức tăng cùng kỳ (quý I-2019 tăng trưởng 6,1%) nhưng cao hơn bình quân cả nước (tăng trưởng 3,82%). Kim ngạch xuất khẩu quý I của tỉnh đạt 217 triệu USD, tăng 2,6% so cùng kỳ; thu ngân sách đạt 37% dự toán. Tỉnh còn thu hút 5.440 tỷ đồng vốn đầu tư, tăng 6,29 lần so cùng kỳ (tăng 4.694 tỷ đồng). Trong khi đó, các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững và ổn định.

Trong bối cảnh khó khăn chung nhưng nông nghiệp An Giang vẫn có mức tăng trưởng tốt. Cụ thể, tăng trưởng quý I-2020 của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82%, cao hơn mức tăng cùng kỳ (quý I-2019 tăng 3,01%); sản xuất nông nghiệp thắng lợi, được mùa, được giá (năng suất lúa vụ đông xuân đạt 7,27 tấn/ha, tăng 0,228 tấn/ha so cùng kỳ).

Kinh tế An Giang có điều kiện phục hồi khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát

“Những tỉnh trồng cây công nghiệp chịu tác động lớn hơn của dịch bệnh Covid-19 so với những tỉnh nông nghiệp, nhất là chuyên về trồng cây lương thực. Dự báo, nhu cầu lương thực của thế giới vẫn tiếp tục tăng, giá trị xuất khẩu gạo ở mức cao nên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng các địa phương cần tập trung bảo vệ sản xuất thắng lợi vụ hè thu và ăn chắc vụ thu đông 2020. Đối với vụ thu đông, tạm thời nghiên cứu, xem xét lại mô hình 3 năm 8 vụ (xả lũ định kỳ). Sở NN&PTNT làm việc với các địa phương để có giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng khu vực I, trong đó có tăng diện tích vụ thu đông phù hợp. Sở NN&PTNT cần tập trung cho nhiệm vụ chống hạn; phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô; phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Tỉnh đã sớm công bố hết bệnh dịch tả heo Châu Phi. Đây là điều kiện tốt để liên kết với các tập đoàn lớn bổ sung con giống chất lượng thực hiện tái đàn heo. Qua đó, thay dần đàn cái nền chất lượng, phục vụ phát triển lâu dài ngành chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh, nhất là tập trung theo hướng trang trại, gia trại” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình lưu ý.

Hoàn thành nhiệm vụ chung

Dù đạt tốc độ tăng trưởng khá nhưng trước những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, khả năng năm 2020 sẽ hụt thu ngân sách từ 20-25%. Do vậy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu tập trung điều hành ngân sách tốt, tăng cường tiết kiệm, cắt giảm những khoản chi không cần thiết. Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để tạo đà cho tăng trưởng kinh tế. Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị giải ngân vốn đầu tư cơ bản, từ đó đề xuất giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo đạt 95% vào cuối năm 2020. Đồng thời, xúc tiến, hỗ trợ những tập đoàn lớn như: T&T, TH… sớm triển khai các dự án trọng điểm. Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ hoàn chỉnh báo cáo kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020) và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025 để phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.

Đối với Cục Thuế tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình giao nhiệm vụ phối hợp các sở, ngành và địa phương khẩn trương triển khai Nghị định số 41/NĐ-CP ngày 8-4-2020 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất đối với các đối tượng được hỗ trợ. Tuy nhiên, cũng phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, không để các đối tượng lợi dụng chính sách để trốn thuế, gian lận kê khai thuế.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang tập trung hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng vay vốn gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm giúp các doanh nghiệp tiếp cận tín dụng để khôi phục sản xuất - kinh doanh.

Sở Công thương được giao phối hợp Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư triển khai các chương trình kết nối cung - cầu; phát triển thị trường trong nước, tổ chức tốt các kênh phân phối thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng. Đồng thời, xây dựng chương trình bình ổn thị trường từ nay đến cuối năm 2020 để không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, đầu cơ tích trữ, tăng giá bất thường trong tình hình dịch Covid 19.

Đối với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, nhanh chóng tổ chức thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch bệnh Covid-19. Trong quá trình thực hiện đảm bảo công bằng, không bỏ sót đối tượng, không để tiền hỗ trợ "đi nhầm" địa chỉ, phát sinh tiêu cực trong triển khai.

Trước tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, các khu, điểm du lịch hoạt động trở lại, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch có trách nhiệm đẩy mạnh quảng bá, tạo thuận lợi tối đa thu hút du khách; đề xuất giải pháp hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch phục hồi sau dịch bệnh Covid-19; phối hợp Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị quảng bá và kết nối du lịch An Giang…

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tang-cuong-trach-nhiem-cho-muc-tieu-tang-truong-a272369.html