Tăng cường tính tuân thủ thực hiện pháp luật BHXH

Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) có vai trò quan trọng đối với người lao động, ngày càng được nhiều người lao động quan tâm, đặc biệt trong việc đảm bảo an sinh cho người lao động sau khi hết tuổi lao động. Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, chính sách pháp luật về BHXH đã có những quy định chặt chẽ hơn, tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chủ doanh nghiệp vẫn chưa tuân thủ nghiêm pháp luật, còn trốn đóng, nợ đọng BHXH.

BHXH nằm trong Top 10 phúc lợi được quan tâm

Khảo sát mới nhất của VietnamWorks về chính sách phúc lợi năm 2019 tại Việt Nam cho thấy: Trong 10 loại phúc lợi được áp dụng nhiều nhất tại doanh nghiệp, chính sách BHXH đứng đầu với 93% doanh nghiệp áp dụng, tiếp đến là chế độ nghỉ phép năm (91%) và du lịch cùng công ty (84%). Còn ở góc độ người đi tìm việc, chính sách BHXH cũng đứng trong Top 10 phúc lợi được người lao động tìm kiếm khi ứng tuyển vào doanh nghiệp. Điều này cho thấy, bên cạnh quy định của luật, chính sách BHXH được người lao động rất quan tâm khi lựa chọn môi trường làm việc.

Đại diện Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (Thái Nguyên) cho biết, Công ty luôn trích nộp đầy đủ BHXH cho người lao động với số tiền lên đến 17 tỷ đồng/mỗi tháng. Ảnh: L.N

Đại diện Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (Thái Nguyên) cho biết, Công ty luôn trích nộp đầy đủ BHXH cho người lao động với số tiền lên đến 17 tỷ đồng/mỗi tháng. Ảnh: L.N

Báo cáo mối liên hệ giữa chính sách BHXH và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp tại Việt Nam, bà Nina Tom - Đại học Roskilde (Đan Mạch) nhận định, doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam chiếm đại đa số, tạo việc làm cho hơn 50% lực lượng lao động và đóng góp khoảng 50% cho GDP. Song, những doanh nghiệp này thường bị coi là có điều kiện làm việc kém, diện bao phủ BHXH hạn chế, kể cả trong khu vực chính quy. Bằng chứng là nếu như năm 2010, số doanh nghiệp tư nhân đóng góp chưa đến 50% vào quỹ BHXH, thì đến năm 2017 cũng mới chỉ tăng lên 60%.

Theo đánh giá của chuyên gia, trong năm 2018, tỷ lệ bao phủ BHYT tại Việt Nam đạt 86,6% dân số (khoảng 81,3 triệu người) và độ phủ BHXH đạt 25,8% lực lượng lao động (13,8 triệu người). Nhờ có Luật BHXH 2014, độ bao phủ BHXH tăng lên; song đóng góp vào Quỹ BHXH không cao, do có tình trạng các doanh nghiệp kê khai thu nhập dựa vào lương cơ bản (không phải thu nhập thực tế) và kê khai không hết cho toàn bộ số nhân viên hiện có.

Thực tế này, theo bà Nina Tom, do mức độ tuân thủ pháp luật thấp và thiếu giám sát thi hành luật, nên những doanh nghiệp này có xu hướng chỉ đầu tư cải thiện điều kiện làm việc nếu thấy có lợi về mặt kinh tế trong giai đoạn ngắn. Còn khi có các tác động tích cực từ nguồn cung an sinh xã hội, các yếu tố trên có thể lại khiến doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả. Qua nghiên cứu thực tế, bà Nina Tom cho biết, sau một thời gian thích nghi với việc tham gia BHXH bắt buộc, nhóm doanh nghiệp vi mô (siêu nhỏ) có thể tuyển dụng nhiều lao động tạm thời hơn, dẫn tới tỷ lệ người lao động được đóng BHXH thấp hơn trước, trong khi doanh thu của doanh nghiệp tăng nhẹ. Còn nhóm doanh nghiệp vừa sẽ có nhận thức tốt hơn về khung pháp lý, tuyển dụng lao động dài hạn nhiều hơn và có triển vọng kinh doanh lâu dài hơn.

Vì thế, không mấy ngạc nhiên, khi nhóm doanh nghiệp này có lợi nhuận giảm đáng kể do phải đóng góp BHXH. “Có thể khẳng định, khi tham gia BHXH, cả người lao động và doanh nghiệp đều có lợi, đội ngũ lao động có động lực làm việc tốt hơn và nỗ lực hơn; tiếp cận các khách hàng lớn hơn, coi trọng việc tuân thủ quy định về lao động; đội ngũ lao động chính quy hơn, đặc biệt tại các doanh nghiệp vừa. Mặt khác, để đảm bảo tính bền vững trong tương lai của hệ thống BHXH, cần có chính sách ưu đãi giúp các doanh nghiệp phi chính thức có thể đăng ký thành chính thức; cần có hệ thống thanh tra lao động hiệu quả hơn để giúp tăng cường tuân thủ pháp luật”- bà Nina Tom nhấn mạnh.

Nâng cao tính tuân thủ pháp luật

Báo cáo về tình hình hình CNVCLĐ năm 2018 của Tổng LĐLĐ Việt Nam nêu lên vấn đề cần quan tâm, đó là tình trạng trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của người lao động đã có xu hướng giảm, với tổng số nợ 6.701 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, tình trạng doanh nghiệp không tham gia BHXH đầy đủ, hoặc đóng thiếu thời gian tham gia BHXH cho người lao động vẫn diễn ra phổ biến, làm ảnh hưởng tới quyền lợi của hàng vạn đoàn viên, người lao động.

Từ thực tế nói trên, bà Trần Thúy Ngọc - Văn phòng giới (thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) thừa nhận: Việc thực thi và áp dụng pháp luật về BHXH tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước tương đối tốt và không gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc thực hiện đầy đủ, đúng quy định Luật BHXH tương đối khó khăn.

Nhấn mạnh ý nghĩa của chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đối với người lao động, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng: Đối với người lao động, BHXH, BHYT là một phần trong cuộc sống. Người lao động trong quá trình lao động mà không tham gia BHXH, BHYT thì khi nghỉ việc có thể trắng tay, thậm chí còn nghèo hơn cả nông dân. Vì vậy, người lao động cần quan tâm đến quyền lợi sát sườn của mình. Với chủ sử dụng lao động, chúng tôi mong muốn chủ sử dụng lao động phải thực hiện và thể hiện trách nhiệm xã hội, tuân thủ tính nghiêm minh của pháp luật, đặc biệt thực hiện trích nộp đầy đủ chế độ bảo hiểm đối với người lao động, bởi khi thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, người lao động sẽ yên tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp.

Vì vậy, theo bà Ngọc, để nâng cao tính tuân thủ pháp luật, bên cạnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các cơ quan chức năng cần triển khai thực hiện hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật BHXH; có biện pháp truy thu quyết liệt đối với những doanh nghiệp cố tình chây ỳ, trốn đóng BHXH. Bên cạnh đó, Quốc hội và Chính phủ cần nghiên cứu điều chỉnh phù hợp các tham số liên quan đến tuổi nghỉ hưu, tỷ lệ đóng BHXH... Bày tỏ quan điểm về vấn đề trên, ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Thanh tra Chính sách BHXH (Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nhấn mạnh: Trong việc thực hiện chính sách BHXH, vấn đề truyền thông rất cần được coi trọng và truyền thông phải đưa ra được các dẫn chứng minh họa cụ thể. Chẳng hạn, ngoài người tham gia BHXH được hưởng chế độ dưỡng sức, thai sản, hưởng lương hưu ra sao, khi đi khám chữa bệnh, được hưởng kinh phí khám chữa bệnh thế nào...

Cũng theo ông Tuấn, ngành BHXH cũng cần nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, đơn vị. Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan hành chính tiến tới cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ, đảm bảo phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Thời gian qua, các địa phương đã rất chú trọng tăng cường đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp – đây cũng được coi là kênh tuyên truyền hiệu quả, ý nghĩa.

Do đó, để đảm bảo tăng tính tuân thủ pháp luật BHXH, cơ quan BHXH cần tiếp tục công khai các thủ tục hành chính, quá trình đóng nộp BHXH, qua đó giúp người lao động tự giám sát được việc tham gia BHXH của mình; đồng thời cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, qua đó góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật BHXH. Đồng tình với các quan điểm nói trên, ông Phạm Trường Giang - Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, thời gian vừa qua, tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHXH vẫn còn diễn ra.

Vì vậy, cần phải tìm ra nguyên nhân có phải do chế tài xử phạt chưa nghiêm minh; hay những tồn tại, hạn chế từ chính sách để có những điều chỉnh cho phù hợp. Nếu từ nhận thức của người lao động, chúng ta phải có biện pháp tuyên truyền để người lao động hiểu được tính ưu việt, cần thiết khi tham gia; còn nếu từ doanh nghiệp thì phải có chế tài đủ mạnh để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật... Nhấn mạnh ý nghĩa của chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đối với người lao động, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng: Đối với người lao động, BHXH, BHYT là một phần trong cuộc sống. Người lao động trong quá trình lao động mà không tham gia BHXH, BHYT thì khi nghỉ việc có thể trắng tay, thậm chí còn nghèo hơn cả nông dân.

Vì vậy, người lao động cần quan tâm đến quyền lợi sát sườn của mình. Với chủ sử dụng lao động, chúng tôi mong muốn chủ sử dụng lao động phải thực hiện và thể hiện trách nhiệm xã hội, tuân thủ tính nghiêm minh của pháp luật, đặc biệt thực hiện trích nộp đầy đủ chế độ bảo hiểm đối với người lao động, bởi khi thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, người lao động sẽ yên tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp.

V.Thu - N.Lan

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tang-cuong-tinh-tuan-thu-thuc-hien-phap-luat-bhxh-85440.html