TĂNG CƯỜNG TÍNH CHỦ ĐỘNG TRONG CẢNH BÁO LŨ

Trong tháng 10 vừa qua, phần lớn các địa phương trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên phải hứng chịu những trận bão, lũ lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân; tình hình sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh Phú Yên cũng diễn biến khá phức tạp, nhưng địa phương này đã giảm được đáng kể thiệt hại mà nguyên nhân một phần là do các nhà máy thủy điện trên hệ thống sông Ba đã triển khai xây dựng cột cảnh báo lũ vùng hạ du. Cụ thể, các cột cảnh báo lũ này có chiều cao 5,5m, tiết diện hình vuông, được làm bằng bê tông cốt thép. Trên cột cảnh báo lũ có đánh số thứ tự để nhận biết và quản lý theo địa bàn từng xã, huyện; ghi đầy đủ các thông số cần thiết như mốc lũ lịch sử, mức báo động, độ sâu ngập lụt. Cột cảnh báo lũ có 3 màu theo cấp độ từ thấp đến cao tương ứng với các cấp độ báo động xanh, vàng, đỏ. Các thông số nhận diện trên cột mốc được sơn phản quang... Rõ ràng, việc triển khai hệ thống cột cảnh báo lũ vùng hạ du sông Ba ở Phú Yên đã giúp các cấp chính quyền địa phương và người dân chủ động nhận biết được cấp độ lũ, mức báo động, độ sâu ngập lụt... để từ đó có sự chủ động ứng phó hiệu quả, không bị động, bất ngờ, từ đó giảm tối đa thiệt hại.

 Lũ lụt gây ngập sâu nhiều ngôi nhà tại Quảng Bình. Ảnh: TTXVN.

Lũ lụt gây ngập sâu nhiều ngôi nhà tại Quảng Bình. Ảnh: TTXVN.

Qua những đợt mưa lũ gần đây cho thấy, việc các nhà máy thủy điện triển khai xây dựng cột cảnh báo lũ là rất cần thiết. Vì thế, các địa phương trong cả nước cần nghiên cứu triển khai rộng rãi hệ thống cảnh báo này. Trong điều kiện tình hình khí hậu, thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường như hiện nay, bên cạnh việc tập trung đầu tư trang thiết bị để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dự báo và cảnh báo lũ, thì việc phát huy năng lực dự báo, cảnh báo của cộng đồng có tác dụng hết sức thiết thực. Muốn vậy, người dân cần được các cơ quan chức năng trang bị kiến thức cơ bản về khí tượng, thủy văn cũng như khả năng quan sát, nắm bắt tình hình, diễn biến mưa, lũ, nguy cơ sạt lở đất để chủ động có biện pháp ứng phó, phòng tránh phù hợp.

Bên cạnh đó, hàng năm, trước mùa mưa bão, các nhà máy thủy điện, các hồ chứa phải phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, sửa chữa, khắc phục tình trạng hư hỏng của hệ thống cảnh báo lũ; ban hành các quy định, quy chế về vận hành điều tiết lũ từ các hồ chứa, các nhà máy thủy điện một cách chặt chẽ, khoa học và thực hiện nghiêm túc, chủ động thông báo cho địa phương và người dân biết việc xả lũ cũng như tích nước hồ chứa. Hay nói cách khác, để công tác phòng, chống lũ lụt đạt hiệu quả, nhất thiết phải triển khai đồng bộ hệ thống cảnh báo, nhất là tăng cường tính chủ động trong cảnh báo lũ của cả cơ quan quản lý, chính quyền địa phương để giúp các khu dân cư và từng hộ dân có biện pháp chủ động ứng phó, giảm được những thiệt hại do mưa lũ gây ra.

TÙNG LÂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/tang-cuong-tinh-chu-dong-trong-canh-bao-lu-643059