Tăng cường tính chủ động, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả trong công tác thông tin đối ngoại

Đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức thông tin để nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại.

Sáng 19/12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Trung ương (Ban Chỉ đạo) tổ chức Kỳ họp thứ bảy dưới sự chủ trì của đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Tham dự Kỳ họp có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo và đại diện một số bộ, ban, ngành Trung ương có liên quan.

Đây là kỳ họp tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo trong năm 2019, triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2020.

CÔNG TÁC THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI GÓP PHẦN NÂNG CAO VỊ THẾ VIỆT NAM TRÊN TRƯỜNG QUỐC TẾ

Theo đồng chí Lê Hải Bình, Phó trưởng ban Chuyên trách Ban Chỉ đạo, Vụ trưởng Vụ Thông tin đối ngoại và hợp tác quốc tế - Ban Tuyên giáo Trung ương, năm 2019, Việt Nam được chọn làm địa điểm tổ chức nhiều sự kiện chính trị mang tầm cỡ quốc tế và khu vực, như Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019, Diễn đàn Du lịch ASEAN 2019, Hội nghị Tư lệnh Cảnh sát các nước ASEAN lần thứ 39; hoàn thành việc đàm phán ký kết các hiệp định CPTPP, AVFTA và EVIPA, trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020,… đã thể hiện sự tin tưởng cao của bạn bè quốc tế. Trong những thành công chung đó, có đóng góp quan trọng của công tác thông tin đối ngoại (TTĐN), của Ban Chỉ đạo, các cơ quan thành viên và lực lượng làm TTĐN.

Thực hiện chức năng là cơ quan tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác TTĐN, năm 2019, Ban Chỉ đạo và các cơ quan, đơn vị thành viên đã phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc các đơn vị, địa phương thường xuyên quán triệt, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về đối ngoại và TTĐN; chỉ đạo, định hướng thông tin tuyên truyền nhanh nhạy, đấu tranh dư luận, bảo vệ chủ quyền biên giới lãnh thổ, biển, đảo cũng như các vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền…; tăng cường công tác theo dõi, tổng hợp ý kiến đánh giá nhận định của Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, giới học giả, chuyên gia, báo chí nước ngoài về Việt Nam, nhất là đối với những vấn đề, sự kiện quan trọng, đột xuất, nhạy cảm. Từ đó tham mưu với Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chỉ đạo triển khai các giải pháp, đối sách ứng xử phù hợp, kết hợp thông tin tuyên truyền với đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, các hành vi lợi dụng xuyên tạc về những sự kiện chính trị, đối ngoại, văn hóa của đất nước.

Phó trưởng ban Chuyên trách Ban Chỉ đạo Công tác TTĐN Trung ương Lê Hải Bình báo cáo tổng kết hoạt động năm 2019. (Ảnh: HMT)

Công tác TTĐN đã thể hiện được sự chủ động, tích cực, vai trò trách nhiệm của Việt Nam trong các quan hệ, diễn đàn đa phương, sự tham gia, đóng góp tích cực, hiệu quả của Việt Nam trong ASEAN, Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác.

Công tác thông tin về các hoạt động đối ngoại nhân dân, đối ngoại quốc phòng, hoạt động hợp tác quốc tế của các ban, bộ, ngành, đoàn thể tiếp tục được củng cố, mở rộng và phát triển theo chiều sâu, chuyển tải thông tin có định hướng qua các cuộc tiếp xúc, trao đổi, đối thoại; các diễn đàn, hội nghị, thiết chế nhân dân đa phương, hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài…

Phát biểu tại kỳ họp, các thành viên Ban Chỉ đạo và đại diện một số ban, bộ, ngành Trung ương đã nêu lên những kết quả cụ thể ở nhiều lĩnh vực có liên quan, góp phần vào thành công chung của công tác TTĐN năm 2019.

Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga phát biểu. (Ảnh: HMT)

Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga phát biểu. (Ảnh: HMT)

Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga cho biết, năm 2019, Liên hiệp đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tích cực triển khai công tác TTĐN, tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, thông tin về chủ quyền biển, đảo, biên giới lãnh thổ quốc gia cũng như những thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực thúc đẩy và bảo đảm quyền con người thông qua các hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị; công tác phi chính phủ nước ngoài; qua tổ chức đoàn ra, đoàn vào và hàng trăm hoạt động đối ngoại nhân dân đã trực tiếp trao đổi, cung cấp thông tin, giải đáp về những vấn đề mà các bạn nước ngoài quan tâm, tranh thủ vận động các bạn ủng hộ Việt Nam trên những diễn đàn quốc tế song phương, đa phương.

Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đức Lợi; Phó tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Lê Ngọc Quang và đại diện một số cơ quan có liên quan đến công tác báo chí truyền thông cho biết, năm 2019, thành công của công tác TTĐN còn được thể hiện rõ ở việc tăng cường hợp tác, trao đổi chương trình với các hãng thông tấn, báo chí uy tín ở khu vực và trên thế giới để sản xuất các sản phẩm truyền thông bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Mở rộng và duy trì quan hệ với nhiều văn phòng báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam; mời phóng viên nước ngoài vào Việt Nam đưa tin, viết bài về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, doanh nghiệp, văn hóa, du lịch… Nhiều chương trình truyền hình thực tế, phim tài liệu phóng sự khám phá, tìm hiểu về văn hóa, du lịch, ẩm thực và đất nước, con người Việt Nam đã được phát sóng trên các đài truyền hình có uy tín tại Mỹ, Anh, Đức, Tây Ban Nha,, Italia, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã thu hút được rất nhiều lượt xem của khán giả trên toàn thế giới. Ngoài ra, thành tích của thể thao Việt Nam năm 2019, nhiều nghệ sỹ âm nhạc, nhiếp ảnh, các bộ phim Việt Nam đoạt giải quốc tế, thành tích du lịch Việt Nam… được các cơ quan truyền thông quốc tế, nhất là những hãng truyền thông lớn như National Geographic, Code Nast Traveler, Travel and Leisure, CNN… ghi nhận, đánh giá cao, đã góp phần ghi những dấu ấn tốt đẹp về Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đức Lợi phát biểu. (Ảnh: HMT)

Nhiều cơ quan báo chí đã phát huy vai trò tích cực trong công tác TTĐN, chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền đối ngoại bài bản; chỉ đạo các cơ quan thường trú thực hiện tốt nhiệm vụ chyển tải thông tin chính xác, kịp thời; đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung các chương trình, nhất là những sự kiện chính trị, đối ngoại quan trọng; tăng cường các ấn phẩm tuyên truyền bằng tiếng nước ngoài.

Các ý kiến phát biểu tại Kỳ họp cũng khẳng định, năm 2019, mạng xã hội, các phương thức truyền dẫn phát sóng hiện đại qua mạng Internet được áp dụng rộng rãi và hiệu quả hơn để phục vụ công tác TTĐN. Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về TTĐN phục vụ tra cứu và quảng bá hình ảnh quốc gia, các cổng thông tin điện tử, các trang thông tin điện tử đang ngày càng được các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan báo chí phát huy tốt vai trò của mình. Các bộ, ban, ngành đặc biệt quan tâm đến việc tận dụng mạng xã hội để triển khai công tác TTĐN.

Việc tổ chức thành công Giải thưởng toàn quốc về TTĐN năm 2018 cũng động viên, khuyến khích các chuyên gia, nhà nghiên cứu, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, xuất bản trong và ngoài nước tiếp tục sáng tác nhiều tác phẩm giá trị phục vụ công tác tuyên truyền, TTĐN, quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, bản sắc văn hóa, con người Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu. (Ảnh: HMT)

Bên cạnh những kết quả đạt được, Kỳ họp cũng chỉ ra những hạn chế, khó khăn của công tác TTĐN năm 2019. Đó là: công tác nghiên cứu, dự báo tình hình còn hạn chế, chưa được thường xuyên. Việc phối hợp thông tin, định hướng tuyên truyền có lúc, có sự việc còn chưa kịp thời, nhất là trước những vấn đề đột xuất, phức tạp.

Cơ chế phối hợp trong tổ chức các hoạt động TTĐN, nhất là những hoạt động lớn, quan trọng về văn hóa, nghệ thuật, quảng bá du lịch, xúc tiến thương mại, đầu tư… chưa tối ưu hóa được các nguồn lực.

Nội dung TTĐN chưa thực sự phong phú, đa dạng; hình thức và ngôn ngữ tuyên truyền chưa thực sự phù hợp với các nhóm đối tượng. Chất lượng thông tin, nhất là thông tin đấu tranh phản bác còn hạn chế về độ nhanh nhạy và tính thuyết phục. Nội dung TTĐN liên quan đến đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông thời gian qua chưa phong phú, thiếu các phân tích, bài viết sâu bằng ngôn ngữ các nước…

TĂNG CƯỜNG TÍNH CHỦ ĐỘNG, ĐỒNG BỘ, KỊP THỜI, HIỆU QUẢ TRONG CÔNG TÁC THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI

Phát biểu chỉ đạo và kết luận Kỳ họp, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, năm 2019, Ban Chỉ đạo Công tác TTĐN Trung ương đã chỉ đạo xử lý hài hòa, cân bằng trong thông tin, tuyên truyền các sự kiện đối nội, đối ngoại quan trọng, các vấn đề đột xuất, nhạy cảm, góp phần vào thành công chung của đất nước trên nhiều lĩnh vực.

Đồng chí Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo, kết luận Kỳ họp. (Ảnh: HMT)

Đồng chí Võ Văn Thưởng khái quát một số kết quả chính như sau:

Thứ nhất, công tác phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo với các cơ quan thành viên đã có bước chuyển tích cực. Sự gắn kết được thể hiện ở việc chủ động phối hợp, cung cấp thông tin phục vụ định hướng TTĐN, rõ nét nhất là thông qua cơ chế giao ban hằng tuần của Thường trực Ban Chỉ đạo; xây dựng các báo cáo chuyên đề; các hội nghị tập huấn, cung cấp thông tin; trong xây dựng và chỉ đạo thực hiện các đề án tuyên truyền về các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các sự kiện đối ngoại lớn, quan trọng của đất nước; công tác phối hợp tổ chức thành công Giải thưởng toàn quốc về TTĐN năm 2018...

Thứ hai, công tác định hướng nội dung TTĐN ngày càng đi vào chiều sâu,làm nổi bật các tuyến chính được nêu trong Kết luận số 16 của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển TTĐN 2011 - 2020. Đáng chú ý là những nội dung - lĩnh vực như: Tuyên truyền các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các sự kiện quốc tế do Việt Nam đăng cai, các hoạt động hợp tác, giao lưu nhân dân; tăng cường thông tin về các hoạt động đối ngoại quốc phòng, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và trên thế giới, hình ảnh và những đóng góp của “Bộ đội cụ Hồ” trong bối cảnh mới, trong tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; phản ánh đậm nét, sinh động hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới, điểm nhấn là sự phát triển đất nước và tầm vóc con người Việt Nam qua các sự kiện thể thao lớn như SEA Games 30, Asian Cup 2019; các nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Việt Nam ở trong và ngoài nước; thông tin, tuyên truyền về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, nhất là trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch; nỗ lực, thành tựu về bảo đảm, thúc đẩy quyền con người của Việt Nam được quốc tế công nhận; thành tựu đạt được trong công tác phân giới, cắm mốc, quản lý biên giới, đặc biệt là công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam trong Biển Đông; phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực cơ hội, thù địch.

Thứ ba, chỉ đạo đổi mới, nâng cao hiệu quảcác phương thức, hình thức TTĐN, có trọng tâm, trọng điểm. Năm 2019, Ban Chỉ đạo đã định hướng tăng cường hợp tác với cơ quan báo chí nước ngoài, tranh thủ phóng viên nước ngoài trong công tác thông tin đối ngoại nhằm nâng cao tính khách quan, thuyết phục. Các cơ quan báo chí thành viên Ban Chỉ đạo, nhất là các cơ quan báo chí chủ lực phát huy vai trò, đi đầu trong thực hiện đổi mới, đa dạng hóa các hình thức thông tin, nhất là tận dụng ưu thế của các mạng xã hội có lượng người dùng lớn như: Facebook, Youtube... trong TTĐN. Một số địa phương cũng đã số hóa các triển lãm tuyên truyền biển, đảo, hệ thống bản đồ, tư liệu, hiện vật trên nền tảng công nghệ thực tế ảo tích hợp âm thanh tạo nên các sản phẩm tuyên truyền trực quan, sinh động hơn.

Thứ tư, tham mưu, kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các địa phương tăng cường công tác nắm tình hình, chủ độngdự báo, tham mưu biện pháp ứng phó, xử lý trước những vấn đề nóng như Biển Đông, quan hệ Việt Nam với các nước, các vụ việc mới nảy sinh có thể bị các thế lực thù địch, cơ hội lợi dụng, xuyên tạc, kích động nhân dân.

Thứ năm, Ban Chỉ đạo tiếp tục làm tốt công tác hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác TTĐN. Nhiều địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, chú trọng các hoạt động tuyên truyền kinh tế đối ngoại, giới thiệu, quảng bá hình ảnh của địa phương ra bên ngoài. Ban Chỉ đạo và các đơn vị thành viên đã hỗ trợ nhiều địa phương trong tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức về chính sách đối ngoại, hội nhập quốc tế và công tác thông tin đối ngoại...

(Ảnh: HMT)

Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Võ Văn Thưởng cũng thẳng thắn chỉ ra các hạn chế, bất cập của công tác TTĐN ngoại thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh một số nội dung cần tiếp tục thực hiện có chất lượng, hiệu quả hơn nữa trong năm 2020 và thời gian tới:

Một là, cần tiếp tục nâng cao tính chủ động bằng việc tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo và chia sẻ kết quả nghiên cứu, dự báo để tạo đồng thuận chung, định hướng chung, lập luận khoa học, thuyết phục trong việc quảng bá cũng như trong đấu tranh chống các luận điệu sai trái.

Hai là, phát huy tính kịp thời bằng cách tiếp tục phát huy cơ chế giao ban định kỳ để chia sẻ thông tin, nhận định. Cần có cơ chế thông tin chia sẻ kịp thời đối với các vấn đề nảy sinh.

Ba là, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Ban Chỉ đạo với các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương trong công tác định hướng dư luận, chỉ đạo triển khai các hoạt động tuyên truyền đối ngoại, nhất là các vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Trên cơ sở thông tin đầy đủ, kịp thời về các hoạt động lớn có liên quan TTĐN, Ban Chỉ đạo tham mưu, đề xuất để tối ưu hóa nguồn lực, đồng thời phát huy hiệu ứng lan tỏa lớn nhất.

Bốn là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức thông tin để nâng cao hiệu quả công tác TTĐN. Tiếp tục khuyến khích việc mạnh dạn đổi mới trong nội dung để gần hơn với thanh niên, dễ tiếp nhận hơn với người nước ngoài, sáng tạo trong phương thức để chiếm lĩnh mặt trận thông tin một cách hiệu quả. Trong năm 2020, tranh thủ các sự kiện đối ngoại quan trọng để thông qua truyền thông quốc tế quảng bá mạnh hơn, lan tỏa hơn về thành tựu đất nước, vị thế của Việt Nam. Qua đó, tuyên truyền hiệu quả về vai trò, sứ mệnh lịch sử của Đảng ta.

Năm là, đối với công tác TTĐN, 2020 cũng là năm cuối thực hiện Kết luận 16 của Bộ Chính trị khóa XI về Chiến lược phát triển TTĐN giai đoạn 2011 - 2020 và Quyết định 368 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chiến lược thông tin đối ngoại giai đoạn 2013 - 2020. Đây là dịp để Ban Chỉ đạo, các bộ, ban, ngành, địa phương đánh giá sâu sắc kết quả triển khai công tác TTĐN trong những năm qua, nhất là các thách thức, khó khăn, hạn chế; đồng thời rút ra các bài học kinh nghiệm quý báu. Giai đoạn 10 năm sắp tới có ý nghĩa rất quan trọng với Đảng ta và đất nước, hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tình hình thế giới, khu vực 10 năm tới cũng có nhiều biến chuyển lớn, mau lẹ, khó lường. Cục diện khu vực cũng sẽ có biến động. Do đó, cần nghiên cứu sâu sắc, có tính lý luận và kết hợp với thực tiễn về chiến lược TTĐN trong 10 năm sắp tới. Cần có các giải pháp thiết thực tăng cường tính chủ động, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả để góp phần củng cố ổn định trong nước, môi trường an ninh đối ngoại, thu hút nguồn lực phát triển đất nước và quảng bá, nâng cao hình ảnh, vị thế của đất nước, của Đảng ta./.

Hoàng Minh

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/nhip-cau-tuyen-giao/ban-tuyen-giao-tw/tang-cuong-tinh-chu-dong-dong-bo-kip-thoi-hieu-qua-trong-cong-tac-thong-tin-doi-ngoai-125989