'Tăng cường tiềm lực quốc phòng ngay từ thời bình'

Sáng 14-3, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 24 năm thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự (CTQP, KQS) giai đoạn 1994-2019. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị. Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: QĐND

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: QĐND

Hội nghị có sự tham gia của hơn 4.500 đại biểu tại 139 điểm cầu truyền hình trực tuyến trong toàn quân. Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP chủ trì tại điểm cầu Bộ Tư lệnh BĐBP.

Theo báo cáo tại hội nghị, 24 năm thực hiện Pháp lệnh bảo vệ CTQP, KQS đạt kết quả nổi bật sau: Hệ thống CTQP, KQS được quản lý, bảo vệ chặt chẽ, từng bước được củng cố, hoàn thiện theo quy hoạch, hình thành thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ, bảo đảm tính liên hoàn, cơ bản, vững chắc, góp phần củng cố nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Pháp lệnh còn bộc lộ một số mặt còn hạn chế, bất cập trong xây dựng cơ chế, chính sách, chỉ đạo, điều hành và trong tổ chức triển khai thực hiện.

Tại hội nghị, các lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương dự tại các điểm cầu đã thảo luận về hạn chế, bất cập, chồng chéo, làm rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo có liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Bộ Quốc phòng, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội đã phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực theo quy định pháp luật, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ hệ thống các CTQP, KQS.

Thủ tướng đề nghị Bộ Quốc phòng cùng các bộ, ban, ngành, địa phương cần nghiêm túc xem xét, rút kinh nghiệm và khẩn trương có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục hiệu quả những tồn tại, hạn chế trong thực hiện Pháp lệnh.

Cùng với đó, Bộ Quốc phòng cùng các đơn vị có liên quan cần tiếp tục quán triệt sâu rộng, triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới; chủ động xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh các đề án, phương án tác chiến, phương án bảo đảm mọi mặt cho khu vực phòng thủ; làm tốt công tác chuẩn bị, tăng cường tiềm lực quốc phòng ngay từ thời bình, chủ động đối phó với mọi tình huống xảy ra.

Bộ Quốc phòng và các đơn vị liên quan cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự gắn với quản lý, bảo vệ CTQP, KQS, nhất là các địa bàn có CTQP, KQS quan trọng; chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện và phối hợp đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các vụ việc phức tạp, các vi phạm pháp luật liên quan đến CTQP, KQS…

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Bộ Tư lệnh BĐBP. Ảnh: Thùy Trang

Bộ Quốc phòng và các cấp, các ngành, cần tăng cường công tác tuyên truyên, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân; chú trọng xây dựng tinh thần tự giác chấp hành và kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn những hành vi xâm hại công trình quốc phòng, khu quân sự.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần tiếp tục rà soát, phát hiện và xử lý nghiêm những sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng, bảo đảm minh bạch, không có vùng cấm và theo đúng quy định của pháp luật, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, quân đội.

Kết luận hội nghị, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, xác định rõ trong thời gian tới bảo vệ CTQP, KQS tiếp tục là một trong những nhiệm vụ quan trọng mang tầm chiến lược đối với việc thực hiện đường lối của Đảng và Nhà nước về chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của mọi cấp, mọi ngành để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo vệ CTQP, KQS, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước trong tình hình mới.

Do đó, các bộ, ngành, địa phương và đơn vị cần khảo sát để nắm chắc, đánh giá đúng, quản lý chặt chẽ các CTQP, KQS phục vụ cho quốc phòng trong từng lĩnh vực, từng ngành và từng địa phương; làm tốt công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước về các giải pháp huy động các ban, bộ, ngành và địa phương tham gia bảo vệ CTQP, KQS, nhằm tăng cường sức mạnh quân sự, củng cố tiềm lực quốc phòng, chuẩn bị chu đáo, toàn diện cho chiến tranh ngay từ thời bình; triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ CTQP, KQS, góp phần thực hiện thành công đường lối, chủ trương xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch đề nghị, các địa phương, cơ quan, đơn vị, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tiếp tục tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự được Chính phủ giao; triển khai toàn diện các quy định của Pháp lệnh Bảo vệ CTQP, KQS và hệ thống văn bản pháp luật có liên quan.

Bộ Tổng tham mưu chủ trì, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật Bảo vệ CTQP, KQS và các văn bản hướng dẫn thi hành; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và giải quyết những vấn đề bất cập chưa được quy định cụ thể, rõ ràng, luật hóa những vấn đề đã được kiểm chứng qua thực tiễn, thực hiện gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh, vừa bảo đảm thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong giai đoạn trước mắt vừa có tính dự báo phát triển trong tương lai gần.

Thùy Trang

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tang-cuong-tiem-luc-quoc-phong-ngay-tu-thoi-binh/