Tăng cường thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở thời gian qua trên địa bàn tỉnh được các địa phương, cơ quan thực hiện nghiêm túc, gắn với nhiệm vụ chính trị tại đơn vị mình. Kết quả đó đã góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh, thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN.

Quy chế dân chủ ở nơi làm việc luôn được các đơn vị thực hiện nghiêm túc. (Trong ảnh: CBCC Trung tâm Hành chính công TP Uông Bí phối hợp giải quyết TTHC cho người dân)

Quy chế dân chủ ở nơi làm việc luôn được các đơn vị thực hiện nghiêm túc. (Trong ảnh: CBCC Trung tâm Hành chính công TP Uông Bí phối hợp giải quyết TTHC cho người dân)

Phát huy kết quả đạt được trong thực hiện QCDC ở cơ sở qua các năm, từ đầu năm đến nay, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 4/12/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2019. Trong đó, Tỉnh ủy giao Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì giám sát thường xuyên, trực tiếp, không báo trước các nội dung về cải cách thủ tục hành chính, việc thực hiện công khai, minh bạch và thực hiện QCDC ở cơ sở.

Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở các cấp đã bám sát định hướng của Trung ương, xây dựng chương trình công tác năm 2019; kiện toàn các thành viên, sửa đổi, ban hành quy chế hoạt động Ban Chỉ đạo; phân công nhiệm vụ cho các thành viên phù hợp với lĩnh vực đang công tác. Các thành viên Ban Chỉ đạo đã chủ động theo dõi, nắm tình hình thực hiện QCDC ở cơ sở theo lĩnh vực, địa phương được phân công phụ trách; tích cực thực hiện các nhiệm vụ được giao; lồng ghép kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC tại địa bàn, lĩnh vực được phân công với nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị.

Đồng chí Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, cho biết: Bám sát chương trình, kiểm tra, giám sát gắn với thực hiện QCDC ở cơ sở theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, ngay từ đầu năm, đơn vị chủ trì, phối hợp với các ngành thành viên Ban Chỉ đạo tổ chức giám sát cải cách thủ tục hành chính tại TP Cẩm Phả, huyện Hoành Bồ; giám sát việc thực hiện công khai, minh bạch và thực hiện QCDC ở cơ sở tại huyện Ba Chẽ. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở của các địa phương Bình Liêu, Móng Cái, Quảng Yên đã thực hiện 6 cuộc kiểm tra, giám sát tại các xã, phường. Thông qua các cuộc kiểm tra, giám sát, đã kịp thời chỉ rõ những tồn tại, hạn chế từ cơ sở, đồng thời hướng dẫn, góp ý, đưa ra những giải pháp khắc phục.

Khu phố văn minh đô thị Vĩnh Phú (phường Mạo Khê, TX Đông Triều) luôn duy trì hoạt động bảng tin, góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Ảnh: Vân Anh

Phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh trong thực hiện QCDC ở cơ sở, Khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã ban hành Chương trình số 03/CTr-MTTQ-TCCTXH ngày 26/3/2019 về tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; giám sát, phản biện xã hội và phòng, chống tham nhũng năm 2019. Đồng thời tích cực triển khai thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; tham gia tiếp công dân định kỳ tại trụ sở tiếp công dân; lắng nghe, tập hợp các ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, hội viên và cử tri để phản ánh đến các cơ quan chức năng. Đặc biệt, trong năm 2019, Khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã đăng ký đảm nhận 11 vụ việc khiếu nại, tố cáo để tham gia giám sát, phản biện xã hội nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên.

Riêng đối với cấp xã, phường, việc thực hiện QCDC ở cơ sở diễn ra thường xuyên, liên tục, đảm bảo công khai, minh bạch các nội dung theo quy định của Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Thông qua hệ thống loa truyền thanh, họp tổ dân, khu phố, cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn đã công khai kế hoạch, quy hoạch, bồi thường GPMB; các chính sách an sinh xã hội, mức thu các loại phí, lệ phí, các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính; bình xét hộ nghèo; nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức xã trực tiếp tiếp, giải quyết các công việc của nhân dân.

Ông Châu Quốc Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hạ Long (Vân Đồn), cho biết: Để tránh phát sinh những vụ việc khiếu nại, kiến nghị của công dân, địa phương đã công khai, minh bạch những chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước và cấp trên tại Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã và các nhà văn hóa thôn. Việc công khai này không chỉ tạo sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân mà còn tạo cơ hội để nhân dân thực hiện công tác giám sát.

Theo kết quả thống kê, 7 tháng đầu năm, các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát cộng đồng của 186 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã cụ thể hóa việc thực hiện QCDC ở cơ sở thông qua tổ chức trên 200 cuộc thanh tra, giám sát các công trình do dân đóng góp, đánh giá hộ nghèo, cận nghèo. Trong đó, các ban thanh tra nhân dân đã phát hiện ra 27 vụ việc vi phạm, kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết; các ban giám sát cộng đồng đã phát hiện 63 vụ việc vi phạm, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết 57 vụ việc.

Từ kết quả đạt được trong thực hiện QCDC ở cơ sở tại các cơ quan, đơn vị, địa phương đã góp phần nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với tổ chức Đảng, chính quyền cơ sở.

Mạnh Trường

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/201908/tang-cuong-thuc-hien-quy-che-dan-chu-o-co-so-2451594/