Tăng cường thông tin đến người tiêu dùng

Tuy các cơ quan chức năng đã khẳng định dịch tả heo châu Phi (ASF) không lây sang người, còn các bệnh về giun, sán… trên heo, nếu thịt heo được nấu chín sẽ không còn nguy cơ lây sang người dùng, thế nhưng vẫn có tâm lý e ngại thịt heo. Đây là nguyên nhân chính khiến heo hơi rớt giá.

Công ty Sagrifood phòng ngừa an toàn sinh học để chống dịch ASF lây lan

Công ty Sagrifood phòng ngừa an toàn sinh học để chống dịch ASF lây lan

Heo hơi rớt giá

Trong những ngày qua, giá heo hơi tại các cơ sở chăn nuôi giảm từ 48.000 đồng/kg xuống còn 40.000 đồng/kg, thậm chí nhiều nơi thương lái thu mua chỉ với giá 35.000 đồng/kg. Sau một hồi đắn đo suy nghĩ, nông dân Nguyễn Quang Thụy (huyện Gia Kiệm, Đồng Nai) quyết định không bán heo hơi với giá 35.000 đồng/kg mà hy vọng thị trường sẽ “ấm” lên để có lãi. Ông Nguyễn Quang Thụy nhận định: “Ngoài lý do nhiều nông dân bán heo nhỏ có trọng lượng 80 - 90kg/con để “chạy” dịch ASF thì tâm lý người tiêu dùng e ngại không sử dụng thịt heo cũng làm rớt giá. Đã thế, người chăn nuôi còn thấm đòn với thông tin bệnh sán heo nhiễm qua người, càng khiến người tiêu dùng quay lưng với thịt heo. Thực tế này đã khiến thương lái thu mua heo với giá bèo”.

Tại thị trường tiêu thụ ở TPHCM, lượng heo về cũng giảm trong những ngày qua. Theo Ban quản lý Chợ đầu mối Nông sản Bình Điền, từ số lượng heo cho đến giá thành thịt heo đều giảm mạnh. Nếu như trước kia, trung bình một ngày lượng heo vào chợ khoảng 3.000 con, thì khi có dịch ASF giảm xuống khoảng 2.700 con/ngày. Đặc biệt, sau thông tin về bệnh sán heo thì sản lượng heo về chợ còn tụt nhanh hơn. Đơn cử ngày 18-3, lượng heo nhập chợ 2.500 con, ngày 19-3 chỉ còn khoảng 2.200 con. Giá heo mảnh là 54.000 đồng/kg, còn giá heo hơi cao nhất chỉ khoảng 40.000 đồng/kg. Điều này cũng xảy ra tại Chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Hóc Môn, trước khi chưa có dịch ASF và bệnh sán heo, trung bình khoảng 5.500 con/ngày về chợ nhưng đến ngày 18-3 chỉ có 4.260 con, ngày 19-3 chỉ còn 3.817 con. Đại diện ban quản lý chợ cho biết, sức mua từ các bếp ăn tập thể, trường học, công ty vẫn ổn định; chỉ có sức mua của chợ truyền thống giảm do người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm khác thay thịt heo. Ngoài ra, trước kia, heo có trọng lượng 80 - 90kg/con vào chợ khoảng 400 con thì nay khoảng 1.500 - 2.000 con/ngày, do sợ dịch ASF nên bán sớm.

Đại diện Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam xác nhận, mặc dù dịch ASF chưa tới miền Nam nhưng giá heo đang rớt từng ngày. Thị trường tiêu thụ chậm nên các thương lái cũng giảm thu mua từ 30% - 50%. Nhiều tiểu thương kinh doanh cũng tạm thời nghỉ bán do ế ẩm. Chị Nguyễn Anh Thư (quận Tân Phú) cho hay, trước kia trung bình ngày bán 100kg/ngày nhưng nay chỉ bán chưa đến 30kg/ngày. Tâm lý e ngại cũng ảnh hưởng tới các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, dù nhiều đơn vị trong số này bán thịt heo đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Tuyên truyền sâu rộng đến người dân

Để trấn an tâm lý người tiêu dùng, ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho hay, Vissan đã thông báo rõ ràng cho người tiêu dùng, dịch ASF không ảnh hưởng tới người, đồng thời minh bạch quy trình phòng dịch, tăng cường kiểm nghiệm chất lượng để người tiêu dùng tin tưởng hơn về chất lượng thịt heo của đơn vị.

Cụ thể, ngày 21-3, Vissan cam kết cung cấp 100% thịt heo và sản phẩm chế biến từ thịt heo an toàn đến người tiêu dùng. Cụ thể, 100% nguồn nguyên liệu của Vissan được cung cấp từ các trang trại chăn nuôi của công ty và từ các đối tác ở vùng Đông Nam bộ, không nằm trong vùng dịch bệnh. Đây cũng là khu vực có nhiều hoạt động thương mại, buôn bán, tiêu thụ heo và sản phẩm làm từ heo nên kế hoạch ứng phó với bệnh dịch tả rất nghiêm ngặt.

Bên cạnh việc thu mua để cung ứng thịt tươi sống cho thị trường, Vissan cũng sẽ tăng cường mua heo nguyên liệu để cấp đông nhằm ổn định đầu vào, ổn định giá cả thị trường, phục vụ nhu cầu tiêu thụ thịt heo đạt chất lượng, không có dịch bệnh.

Quy trình khép kín từ chăn nuôi, giết mổ, sản xuất đến phân phối thông qua mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn bền vững “Từ trang trại đến bàn ăn” sẽ giúp công ty kiểm soát chặt chẽ từ nguồn nguyên liệu đầu vào cho đến thành phẩm ra thị trường. Với các mặt hàng thực phẩm chế biến, 100% sản phẩm đều được làm chín, thanh trùng hoặc tiệt trùng ở nhiệt độ cao, đảm bảo chất lượng an toàn tuyệt đối.

Theo Công ty Chăn nuôi và Chế biến thực phẩm Sài Gòn (Sagrifood), sản lượng heo Sagrifood ổn định nhờ chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, đồng thời bán hàng trong siêu thị với điều kiện môi trường lạnh nên đảm bảo chất lượng thịt. “Sán heo cơ bản chỉ có khi heo thả rong, ăn cơm thừa, không đảm bảo vệ sinh. Tuy nhiên, thịt heo bị nhiễm sán nếu nấu chín vẫn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ngay cả dịch ASF cũng không lây nhiễm qua người”, đại diện Sagrifood cho hay.

THANH HẢI

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tang-cuong-thong-tin-den-nguoi-tieu-dung-582599.html