Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế

Phát biểu tại hội trường Quốc hội ngày 5/11, đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) cho rằng: Trước những tồn tại, hạn chế, Chính phủ cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, quản lý việc sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế.

Theo bà Yến Linh, việc thực hiện cơ chế tự chủ đã tạo áp lực cho các cơ sở y tế phải chăm lo đời sống, thu nhập tăng thêm cho công nhân viên, xã hội hóa ngành y tế. Trong năm 2019, cơ sở tư nhân tăng khoảng 156 cơ sở ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Có cơ sở y tế tư nhân, tỷ lệ chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cao hơn nhiều so với đơn vị bệnh viện của một tuyến tỉnh. Cho nên, theo bà Yến Linh: "Rất khó giải quyết tình trạng lạm dụng cũng như trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế".

Đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau).

Đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau).

Bà Yến Linh cũng cho rằng, hiện chưa có sự thống nhất giữa Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong chỉ đạo, triển khai các chính sách bảo hiểm y tế. Việc giám định đôi khi gây tranh cãi, gây khó khăn cho các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.

Cùng với đó, việc kiểm soát chi phí khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế chặt chẽ tạo nên hiệu ứng bất lợi. Bác sĩ luôn trong tình trạng cảnh giác cao, có lúc phải giải thích cho bệnh nhân mua thuốc ngoài bảo hiểm để làm sao điều trị tránh 3 không: Không bị vượt trần, không bị vượt dự toán đã giao và không bị từ chối thanh toán.

Bà Yến Linh nêu thực tế, khi thanh quyết toán, chi phí vượt dự toán hoặc chi phí chưa có sự thống nhất giữa 2 bên, bảo hiểm xã hội đã đối trừ tạm ứng trước và lấy cơ sở trên để tạm ứng cho quý sau. Điều này cũng gây khó khăn cho cơ sở khám chữa bệnh, do không đủ kinh phí trang trải cho hoạt động. Nếu nợ công ty thuốc lâu, họ cũng từ chối cung cấp thuốc cho các cơ sở y tế. Việc này đã ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh và quyền lợi của người bệnh tham gia bảo hiểm y tế.

Về giao dự toán, năm 2019, Chính phủ giao khoảng 7.535 tỷ đồng nhưng theo Báo cáo của Bộ Tài chính thì ước chi khoảng 105.088 tỷ, chênh lệch gấp gần 14 lần. Vì thế chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thiếu hụt kéo dài, thời gian giao lại trễ nên các cơ sở khám chữa bệnh cũng không thể chủ động điều tiết, cân đối chi từ đầu năm.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả điều trị, các cơ sở y tế cần liên tục triển khai nhiều dịch vụ kỹ thuật cao, kỹ thuật mới, khi đó sẽ vượt dự toán, phải giải trình. Nếu không đúng yếu tố khách quan theo quy định của bảo hiểm xã hội thì sẽ bị từ chối thanh toán. Nếu được thanh toán thì cũng chậm trễ. Khi vượt dự toán, các tỉnh phải báo cáo lên Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiến hành đánh giá và tổng hợp số tiền vượt dự toán khách quan của cả nước rồi mới trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy trình mất nhiều thời gian.

Theo số liệu báo cáo, năm 2018, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thẩm định thanh toán chi vượt dự toán là 5.521 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh Cà Mau có 28,483 tỷ đồng, vượt dự toán trên tổng 64,109 tỷ đồng vẫn chưa được thanh toán từ năm 2018 đến nay.

Bà Yến Linh kiến nghị Chính phủ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, quản lý việc sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế, đặc biệt những cơ sở có nguy cơ cao. Xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế, sớm thống nhất giải quyết khi có những vấn đề còn chưa thống nhất giữa Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, để tạo được sự đồng thuận cho cơ sở y tế triển khai thực hiện thuận lợi các chính sách bảo hiểm y tế.

Cần giải trình và làm rõ việc giao dự toán Quỹ Bảo hiểm y tế, xem xét, phê duyệt phần vượt dự toán năm 2018. Bộ Y tế cần hoàn thiện các chính sách liên quan đến bảo hiểm y tế chặt chẽ hơn để tránh việc lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế. Cần tháo gỡ sớm những vấn đề vướng mắc trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế khi được kiến nghị.

VÂN KHÁNH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/tang-cuong-thanh-tra-kiem-tra-giam-sat-viec-su-dung-quy-bao-hiem-y-te-20201105171120831.htm