Tăng cường thanh tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chay

Bộ NN&PTNT yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chay từ khâu nguyên liệu, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển và bày bán sản phẩm..

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn liên quan ở địa phương triển khai, thực hiện về công tác quản lý đồ ăn chay.

Cụ thể, theo Bộ NN&PTNT, trong thời gian gần đây, nhu cầu sử dụng thực phẩm chay tăng cao, dẫn đến có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chay hoạt động rất đa dạng. Thực tế, phần nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chay quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình nên điều kiện đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm còn hạn chế về nhà xưởng, trang thiết bị và thực hành chế biến, bao gói, bảo quản, vận chuyển.

Điều đó dẫn đến những rủi ro lạm dụng hóa chất, phụ gia cũng như nhiễm vi sinh vật dẫn đến sinh ra độc tố là rất cao như vụ ngộ độc khi sử dụng Pate Minh chay năm 2020, sản phẩm chay tháng 3/2021 tại Bình Dương...

Do đó, Bộ NN&PTNT yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các đơn vị quản lý liên quan tiến hành phổ biến quy định pháp luật, hướng dẫn, tập huấn cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm chay. Không dùng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất kinh doanh thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế. Chỉ sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến được phép sử dụng và đúng liều lượng quy định.

Ngoài ra, Bộ yêu cầu đảm bảo điều kiện vệ sinh công nghiệp, vệ sinh công nhân, xây dựng và triển khai kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm dựa trên HACCP, đặc biệt lưu ý kiểm soát chặt chẽ tại công đoạn tiệt trùng (thời gian, nhiệt độ tiệt trùng), ghép mí; điều kiện bảo quản, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ sản phẩm.

Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến đến người tiêu dùng những lưu ý trong việc lựa chọn thực phẩm nói chung, thực phẩm chay nói riêng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và chỉ mua, sử dụng sản phẩm được bảo quản đúng như công bố trên nhãn của nhà sản xuất.

Sản phẩm pate Minh Chay từng khiến hàng loạt người bị ngộ độc hồi tháng 7/2020.

Sản phẩm pate Minh Chay từng khiến hàng loạt người bị ngộ độc hồi tháng 7/2020.

Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chay từ khâu nguyên liệu, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển và bày bán sản phẩm; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Các trường hợp phát hiện vi phạm cần thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết không mua/ tiêu thụ sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Được biết, trong thời gian qua, tại một số địa phương ghi nhận các trường hợp ngộ độc do độc tố botulinum có trong thực phẩm chay. Botulinum là ngộ độc nặng, nguy cơ tử vong cao, hoặc ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe.

Cụ thể, tại Kon Tum, từ tối 25 đến ngày 27/3/2021, Bệnh viện Đa khoa tỉnh này đã tiếp nhận, điều trị cho 4 bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm đều trú tại thôn Kon Du (xã Măng Cành, huyện Kon Plông). Các bệnh nhân được chẩn đoán suy hô hấp, cần được theo dõi ngộ độc clostridium botulinum. Trong đó, bệnh nhân nữ Y Xuân (65 tuổi), người lớn tuổi nhất trong 4 ca bệnh đã tử vong.

Đây là chùm ca bệnh thứ hai xảy ra trong một tháng nay tại xã Măng Cành. Vào đầu tháng 3/2021 tại làng Kon Kum, xã Măng Cành, đã xuất hiện chùm ca bệnh làm 2 người chết, 22 người nhập viện do bị ngộ độc thực phẩm. Tác nhân gây ngộ độc được xác định là do vi khuẩn clostridium botulinum sinh độc tố type E.

Tại Bình Dương, tính từ 24/3/2021 đến nay đã có 6 bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc botulinum sau khi ăn pate chay tại một buổi tự nấu bún riêu chay tại miếu Chiêu Liêu ở thị trấn An Thạnh (huyện Thuận An, Bình Dương). Trong đó 1 người đã tử vong, 1 người đang điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi đồng 2 và 4 bệnh nhân đang điều trị tích cực tại Bệnh viện 115 (TP HCM).

Các bệnh nhân nhập viện đều có các biểu hiện tương tự như khó nói, yếu cơ, sụp mí, khó thở, diễn tiến suy hô hấp nhanh. Nguyên nhân gây ngộ độc là do trong bữa bún riêu đã sử dụng 1 hộp pate chay bị phồng, hỏng, nhiễm độc tố botulinum.

Trước đó, từ 13-18/7/2020 xuất hiện 9 ca bệnh phải điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (2 ca bệnh), tại Bệnh viện Chợ Rẫy (5 ca) và Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh (2 ca) với triệu chứng mệt mỏi, sụp mi mắt, yếu cơ tứ chi, khó nuốt, liệt cơ, khó thở… Các bệnh nhân đều sử dụng sản phẩm Pate Minh Chay do Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới (địa chỉ tại tổ 2, thị trấn Ðông Anh, huyện Ðông Anh, TP Hà Nội) sản xuất và phân phối. Ngay sau đó, Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia và Viện Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh đã kiểm nghiệm một số sản phẩm Pate Minh Chay thuộc các lô khác nhau. Kết quả đã phát hiện vi khuẩn Clostridium Botulinum typ B.

Kể từ ngày 20/8/2020, các cơ quan chức năng đã yêu cầu TNHH Hai thành viên Lối sống mới ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh và thông báo trực tiếp cho khách hàng ngừng sử dụng sản phẩm “Pate Minh Chay”, niêm phong và bảo quản ở khu vực riêng biệt.

Phong Lâm

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/tang-cuong-thanh-tra-giam-sat-cac-co-so-san-xuat-kinh-doanh-thuc-pham-chay-d185815.html