Tăng cường sức khỏe người di cư ở Việt Nam

Ngày 10/12, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam và IOM Việt Nam tổ chức Hội thảo tăng cường sức khỏe cho người di cư ở Việt Nam.

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, hiện tỉ lệ dân số di cư chiếm khoảng 2,2% đến 3,3% dân số thế giới. Trong đó, số người di cư quốc tế từ các nước châu Á chiếm 86,9 triệu người.

Hiện có 2,6 triệu người Việt đang sinh sống, lao động và học tập tại nước ngoài.

Hiện có 2,6 triệu người Việt đang sinh sống, lao động và học tập tại nước ngoài.

Còn tại Việt Nam, theo số liệu điều tra của cơ quan chức năng, từ tháng 1 đến tháng 10/2019 có khoảng hơn 100.000 người Việt di cư đến các quốc gia chủ yếu như Nhật, Đài Loan, Nam Hàn, Rumani, Ả rập... Lý do di cư có thể là đi lao động, du học, nhận con nuôi, kết hôn...

Về sức khỏe cho người Việt Nam di cư, các chuyên gia tham dự Hội thảo cho rằng, những người di cư được xác định là nhóm dễ tổn thương, dễ gặp phải những vấn đề bất lợi khi tiếp cận các chương trình chăm sóc sức khỏe.

Bên cạnh đó, hiện Việt Nam chưa có kế hoạch hành động cũng như các khung chính sách quốc gia để thúc đẩy bảo vệ sức khỏe người di cư.

Về chính sách cho người Việt Nam di cư, theo ông Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, Việt Nam đã cam kết thực hiện Nghị quyết 70.15 về tăng cường sức khỏe của người tị nạn và người di cư được Hội đồng Y tế thế giới (WHA) thông qua tháng 5/2017.

Và để tăng cường sức khỏe cho người di cư Việt Nam, một số kiến nghị cho rằng, ngành Y tế cần phát triển hệ thống kiểm dịch hiệu quả hơn để xác định người di cư mắc bệnh truyền nhiễm để chữa trị và điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề xuất ngành Y tế cần thiết lập cơ chế phối hợp để thu thập thông tin về tình trạng sức khỏe và tiếp cận dịch vụ y tế của người di cư, qua đó xác định phương án tối ưu để đáp ứng nhu cầu sức khỏe của người di cư.

“Đồng thời hợp tác với các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ để huy động chuyên gia quốc tế, kiến thức và kinh nghiệm thực tế để hỗ trợ việc hoạch định chính sách, thực hiện và đánh giá chính sách về người di cư”, đại diện Tổ chức IOM Việt Nam nêu.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/tang-cuong-suc-khoe-nguoi-di-cu-o-viet-nam-116864.html