Tăng cường sự tham gia xã hội trong chăm sóc người cao tuổi

TCCSĐT - Từ ngày 02 đến 03-5-2018, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới tổ chức Hội thảo quốc tế 'Tăng cường sự tham gia xã hội trong chăm sóc người cao tuổi: Đối thoại chính sách và trao đổi kinh nghiệm thực tiễn giữa các cộng đồng địa phương ở Việt Nam, Nhật Bản và Vương quốc Anh'.

Quang cảnh Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới; bà Michiru Sasagawa, đại diện quỹ Toyota Foundation; đại diện Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, tổ chức JICA (cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) tại Việt Nam; các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực gia đình và giới ở Việt Nam, các nhà khoa học đến từ Đại học Manchester Metropolitan (Vương quốc Anh), Đại học Kumamoto Gakuen, Đại học Kyoto Sangyo (Nhật Bản) cùng các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, khẳng định, thời gian qua, việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực, chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt; tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,4 tuổi năm 2016. Tuy nhiên, Việt Nam, chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với trên 10 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số, dự báo đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên thành 17% và 20 năm sau sẽ là 25%. Đáng lưu ý là tốc độ già hóa dân số của Việt Nam diễn ra quá nhanh trong bối cảnh nước ta vẫn là một nước có mức thu nhập trung bình thấp. Sự chuyển đổi nhân khẩu học do già hóa dân số này đang và sẽ tạo ra những tác động rất lớn đến mọi hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội của nước ta, là thách thức lớn với hệ thống an sinh của Việt Nam, khi hiện chỉ có khoảng 30% người cao tuổi được hưởng lương hưu, còn rất nhiều người già vẫn phải tự lao động kiếm sống. Bên cạnh đó, tuy tuổi thọ của người Việt được nâng lên nhưng gánh nặng bệnh tật lớn, trung bình mỗi người cao tuổi đang phải chịu 15,3 năm bệnh tật, tạo ra gánh nặng bệnh tật kép khi mỗi người cao tuổi mắc 2,69 bệnh, chủ yếu các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, cao huyết áp, tim mạch... Do đó, việc thích ứng với già hóa dân số, là một công việc nhiều thách thức đòi hỏi sự tham gia của các ngành, các cấp và toàn xã hội.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nghị quyết số 21 -NQ/TW) “Về công tác dân số trong tình hình mới” đã đặt ra mục tiêu giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nhấn mạnh đến việc tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Hiện nay, trải qua những giai đoạn cải cách, phát triển khác nhau, mức độ già hóa dân số khác nhau, Nhật Bản, Việt Nam và Vương quốc Anh có nhiều tương đồng cũng như đặc thù trong mô hình chăm sóc người cao tuổi. Trong bối cảnh già hóa dân số tăng nhanh và nhiều vấn đề chính sách, xã hội đang đặt ra trong chăm sóc người cao tuổi, hội thảo được tổ chức nhằm phân tích và chia sẻ các bài học kinh nghiệm về hệ thống chính sách, phúc lợi xã hội và thực tiễn chăm sóc người cao tuổi ở cấp gia đình, cộng đồng từ các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, người hoạt động thực tiễn về người cao tuổi thuộc các nền kinh tế, văn hóa, xã hội như Nhật Bản, Vương quốc Anh và Việt Nam, cũng như chia sẻ kết quả nghiên cứu so sánh về chăm sóc người cao tuổi giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Các tham luận và ý kiến phát biểu tại hội thảo, với nhiều cách nhìn từ nhiều góc độ đã làm rõ các lý thuyết và hướng áp dụng các phương pháp chăm sóc người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số; phân tích cơ hội, thách thức từ việc già hóa dân số ở Việt Nam và những vấn đề chính sách được đặt ra (trong đó nhấn mạnh tới vai trò của bảo hiểm y tế) để thích ứng với tốc độ già hóa dân số cao và đặc điểm văn hóa - xã hội Việt Nam khi cộng đồng vẫn giữ vai trò quan trọng trong chăm sóc tinh thần cho người cao tuổi. Đồng thời, với cấu trúc gia đình truyền thống chịu ảnh hưởng của Nho giáo, chú trọng đạo hiếu, hoạt động chăm sóc người cao tuổi hiện nay ở Việt Nam vẫn chủ yếu liên quan đến vai trò của gia đình. Một số tham luận cũng chỉ ra những nỗ lực của Việt Nam cũng đang trong xây dựng và hoàn thiện khung thể chế và dịch vụ chăm sóc người cao tuổi trên cơ sở sự phối hợp với gia đình, các tổ chức đoàn thể và tư nhân.

Tham luận tại hội thảo, GS.TS Hugh McLaughlin, Đại học Manchester Metropolitan, Vương quốc Anh cho biết ở Anh, tốc độ già hóa nhanh và dân số cao tuổi chiếm 21% dân số vào năm 2016. Sự gia tăng nhanh chóng số lượng và chi phí liên quan đến chăm sóc người cao tuổi đã trở thành động lực quan trọng nhất cho việc thay đổi nhu cầu chăm sóc sức khỏe và chăm sóc ở Anh hiện đại. Một số mô hình chăm sóc người cao tuổi ở Anh đã được phân tích trong bối cảnh chính sách tại Anh (với Đạo luật Chăm sóc 2014, Chương tình cá nhân hóa, Chăm sóc phi chính thức và cộng đồng) như Mô hình Devo Manc của thành phố Manchester, chính quyền trung ương ủy quyền cho 10 cơ quan chức năng Greater Manchester, thị trưởng được phép quản lý ngân sách chăm sóc y tế và xã hội tích hợp, nhấn mạnh việc tiếp tục chuyển giao quyền lực để giảm gánh nặng cho chính quyền trung ương, thúc đẩy tích hợp chăm sóc y tế và xã hội ở cấp khu vực. PGS.TS Chie Yoshimuara, Đại học Kyoto Sangyo (Nhật Bản) thì cho biết xã hội Nhật Bản xây dựng chương trình bảo hiểm suốt đời trong chăm sóc người cao tuổi với nỗ lực có sự tham gia cân bằng giữa gia đình, cộng đồng và thị trường nhằm cung cấp các gói chăm sóc đa dạng cho nhóm dân số này. Trong tham luận của mình, PGS.TS Chie Yoshimuara đã làm rõ những điểm tương đồng và khác biệt trong các thành phần phúc lợi xã hội ở cộng đồng tại Việt Nam và Nhật Bản để từ đó chia sẻ kinh nghiệm trong chăm sóc người cao tuổi.

Hội thảo cũng đề cập đến thực trạng và đề xuất một số giải pháp cải tiến các hoạt động chăm sóc người cao tuổi do công ty tư nhân được thực hiện ở Việt Nam (trong so sánh và học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản) cũng như một số mô hình chăm sóc người cao tuổi ở nông thôn Việt Nam (thực tiễn từ câu lạc bộ chăm sóc người cao tuổi tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh có con cái làm ăn xa)./.

Tin, ảnh: Đinh Giang

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/thong-tin-ly-luan/2018/50666/tang-cuong-su-tham-gia-xa-hoi-trong-cham-soc-nguoi-cao.aspx