Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị

Chiều tối ngày 13/11 tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tổ chức gặp mặt nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV nhằm trao đổi, thảo luận về phương hướng, giải pháp tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong chính trị tại Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự buổi gặp mặt.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng hoa các nữ đại biểu Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng hoa các nữ đại biểu Quốc hội

Để phụ nữ phát huy hết tiềm năng và sức sáng tạo

Tham dự có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch Nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Chủ tịch UB Vì sự tiến bộ của Phụ nữ VN Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Nội Vụ Lê Vĩnh Tân; Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga; Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, các đồng chí đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Dân vận Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, TW Hội LHPN Việt Nam… và hơn 130 nữ đại biểu Quốc hội.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, trong hơn 70 năm qua, các nữ đại biểu Quốc hội luôn tỏ rõ trí tuệ, tài năng và bản lĩnh của những người phụ nữ ưu tú, là đại diện cho tiếng nói của nhân dân.

“Qua từng nhiệm kỳ Quốc hội, số lượng và chất lượng các nữ đại biểu Quốc hội ngày càng được nâng cao. Từ Quốc hội khóa I chỉ với 10 nữ đại biểu, đến nay, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Khóa XIV là 26,87% - một tỷ lệ khá cao so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, lần đầu tiên có Chủ tịch Quốc hội và 3 ủy viên Bộ Chính trị là nữ”, bà Hà cho biết.

Bà Hà nhấn mạnh, tại cuộc gặp mặt lần này, các nữ đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận về những vấn đề bất cập đang đặt ra đối với phụ nữ, vai trò nòng cốt của Hội LHPN Việt Nam trong công tác phụ nữ, đặc biệt là tập trung vào đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Chủ tịch thường trực QH Tòng Thị Phóng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam TrầnThanh Mẫn; Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Nội Vụ Lê Vĩnh Tân... tham dự buổi gặp mặt

Bà Hà mong muốn thời gian tới, phụ nữ Việt Nam nói chung và nữ đại biểu Quốc hội nói riêng nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa của Đảng, Nhà nước để phụ nữ phát huy hết tiềm năng, sức sáng tạo của mình đóng góp có hiệu quả vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Cùng với đó, bà Hà đề nghị các nữ đại biểu Quốc hội quan tâm hơn tới vấn đề giới, lồng ghép giới và sự tiến bộ của phụ nữ trong quá trình xây dựng luật, giám sát việc thực hiện luật pháp chính sách, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em; Đồng thời, cũng đề nghị các nữ Đại biểu Quốc hội cần quan tâm kèm cặp, hướng dẫn, giới thiệu cán bộ nữ, nguồn cán bộ nữ trẻ, có tiềm năng để tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong quản lý, lãnh đạo.

Nữ ĐB Quốc hội không ngừng nâng cao bản lĩnh, gắn bó với cử tri

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng hoan nghênh và đánh giá cao Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức cuộc gặp mặt nữ đại biểu Quốc hội, để cùng suy nghĩ về chương trình, kế hoạch hành động, góp phần tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, hướng tới sự bình đẳng, phát triển, tiến bộ của phụ nữ.

Qua các nhiệm kỳ hoạt động, các nữ đại biểu Quốc hội đã luôn tâm huyết và trí tuệ, làm tốt nhiệm vụ cầu nối giữa cử tri với Quốc hội trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; tham gia xây dựng, giám sát, phản biện các chính sách, pháp luật cũng như đại diện cho giới nữ, thể hiện tiếng nói, mong muốn đối với các vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em, hoàn thành tốt trọng trách của người đại biểu nhân dân; đóng góp không nhỏ vào kết quả hoạt động chung của Quốc hội. Nhiều nữ đại biểu Quốc hội đã và đang giữ cương vị quan trọng trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và doanh nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chụp ảnh lưu niệm cùng các nữ đại biểu Quốc hội

Đặc biệt, từ nhiệm kỳ khóa XII Nhóm nữ Nghị sỹ Việt Nam (nay là Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam) đã được thành lập. Đây là một diễn đàn để các nữ đại biểu Quốc hội giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động, qua đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động trong Quốc hội, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến bình đẳng giới.

Trong nhiệm kỳ khóa XIII, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam đã cùng Hội LHPN Việt Nam và các bộ, ban, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ, hiệu quả nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, như tổ chức các hội thảo khu vực chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi các giải pháp, đưa ra các đề xuất nhằm tăng tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân; tổ chức tập huấn cho nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội…

Sự phối hợp hiệu quả này đã góp phần tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV và nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị đã xác định trách nhiệm: “Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp, cán bộ, đảng viên nữ cần chủ động, tích cực tham mưu, giới thiệu, tạo nguồn cán bộ nữ và giới thiệu quần chúng là phụ nữ ưu tú cho Ðảng".

Nghị quyết Trung ương bảy khóa XII cũng đã xác định mục tiêu đến năm 2030 là phải có cơ cấu nữ trong Ban thường vụ cấp ủy và tổ chức đảng các cấp. Tỉ lệ nữ cấp ủy viên các cấp đạt từ 20-25%; tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đạt trên 35%.

Để thực hiện trách nhiệm được Đảng và nhân dân giao phó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu về công tác cán bộ nữ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và các nữ đại biểu Quốc hội quan tâm một số nội dung như: tích cực, chủ động phát hiện cán bộ nữ ưu tú để giới thiệu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền; chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn, bồi dưỡng cán bộ nữ trẻ, nhất là những cán bộ nữ dự kiến thay thế vị trí của mình; thể hiện quan điểm, tiếng nói của mình trong nghị trường Quốc hội cũng như trong quá trình giám sát các chính sách liên quan đến bình đẳng giới.

Tại cuộc gặp mặt, các nữ đại biểu Quốc hội đã thảo luận về những vấn đề bất cập đang đặt ra đối với phụ nữ, vai trò nòng cốt của Hội LHPN Việt Nam trong công tác phụ nữ, đặc biệt là tập trung vào đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị.

Thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam đã tích cực, chủ động, có nhiều điểm mới, sáng tạo trong tham mưu công tác cán bộ nữ, đặc biệt là trong phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, UBCVĐXH của Quốc hội, Bộ Nội vụ và Bộ LĐ-TB&XH tham mưu đề xuất chính sách cho cán bộ nữ, như:

Đưa vào Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND năm 2015 quy định tỷ lệ phụ nữ ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND đạt ít nhất 35%; tham gia giới thiệu cán bộ nữ cho Đảng, Nhà nước, đặc biệt trước các kỳ đại hội Đảng và bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp qua các nhiệm kỳ;

Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới bằng nhiều hình thức đa dạng, đặc biệt với nội dung về nâng cao năng lực chính trị cho phụ nữ, một vấn đề đang được Đảng, Nhà nước và xã hội quan tâm.

Thanh Nhung - Mạnh Dũng

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/tang-cuong-su-tham-gia-cua-phu-nu-trong-linh-vuc-chinh-tri-d85267.html